(HTV) - Trong phiên làm việc sáng nay tại hội trường, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã nhất trí thông qua Luật căn cước và Luật nhà ở (sửa đổi).
Theo đó, So với Luật Căn cước công dân hiện hành, trường thông tin về quê quán, vân tay đã được bỏ không cần thể hiện trên căn cước. Với Luật nhà ở (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê. Ngoài ra, Tương tự luật hiện hành, Luật Nhà ở (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua, không quy định thời hạn sở hữu mà chỉ quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư.
Toàn cảnh phiên làm việc
Quốc hội cũng đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 03 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ bản tán thành việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội trên cơ sở kế thừa mô hình đang được thí điểm theo Nghị quyết số 97 của Quốc hội, một số đại biểu đề xuất thành phố Hà Nội nên nghiên cứu, áp dụng mô hình chính quyền đô thị như tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.
Quốc hội cũng đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và các báo cáo của Chính phủ
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP.HCM phát biểu: "Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quan trọng quốc gia, trái tim của cả nước, là đô thị đặc biệt quan trọng, là bộ mặt quốc gia, là cửa ngõ giao lưu, hội nhập quốc tế và thường xuyên đón tiếp các nguyên thủ quốc gia. Do đó, việc phân cấp, ủy quyền cho Hà Nội nhiều hơn nữa là rất cần thiết".
Về phía Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho biết: "Cần phải có một mô hình chính quyền đô thị phù hợp hơn với trao quyền này như đề xuất của dự thảo luật là cần phải có cả Hội đồng nhân dân cấp quận. Người đứng đầu các cấp chính quyền đô thị phải có vai trò và có quyền tự quyết định nhiều hơn, tự chịu trách nhiệm cao hơn, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân phải nhiều hơn, phải tăng tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách để tăng tính chuyên nghiệp và yêu cầu về tiêu chuẩn, trình độ phải cao hơn".
Nhiều đại biểu cũng đề nghị cần có thêm những chính sách trong việc thu hút, trọng dụng và giữ chân người tài, không chỉ đối với thành phố Hà Nội mà cũng là cho nhiều địa phương khác trên cả nước.
Đại biểu cũng đề nghị cần có thêm những chính sách trong việc thu hút, trọng dụng và giữ chân người tài
Giải trình làm rõ thêm nội dung dự thảo Luật thủ đô (sửa đổi) trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Đây là dự án Luật có cơ sở pháp lý, chính trị và thực tiễn rất rõ ràng; có tính thuyết phục; xây dựng các cơ chế đặc thù cho thủ đô cả nước, không phải riêng cho Thành phố Hà Nội. Nếu xây dựng được các cơ chế cho thủ đô phát triển thì thủ đô sẽ là đầu tàu trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, văn hóa cho cả nước. Làm rõ thêm vấn đề về tổ chức bộ máy và số lượng Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ trưởng cho biết: Hà Nội đã có sơ kết và đánh giá rất kỹ Nghị quyết 97, thống nhất nhận thức tiếp tục thực hiện cơ chế này. Bên cạnh đó, Dự luật cũng thiết kế trên cơ sở thực tế khi tăng cường phân cấp, phân quyền thì HĐND quận được giao thêm nhiều nhiệm vụ, cần thiết có cấp hội đồng để giải quyết nhiều vấn đề về thu chi ngân sách, giám sát.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9