(HTV) - Ngày 25/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết 43.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 25/5, tại hội trường, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội và thảo luận về việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết 43
Nghị quyết số 43 của Quốc hội có nhiều chính sách mạnh mẽ, quyết liệt, mang tính đặc thù, chưa từng có tiền lệ nhằm đạt “mục tiêu kép”: hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, giúp phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch.
Tuy nhiều, còn có những hạn chế trong tổ chức thực hiện, cần giải pháp căn cơ để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu, quan điểm của Nghị quyết.
Ông Trần Hoàng Ngân - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM
Ông Trần Hoàng Ngân - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM nhận xét: “Tôi nghĩ nguyên nhân thể chế quan trọng, vừa làm vừa lo sợ cấp bách cứu dân nhưng vẫn phải hỗ trợ doanh nghiệp phải làm mọi thứ hết nhưng lại sợ hậu kiểm, có sai không. Tất cả những điều này làm chúng ta khó khăn. Gói hỗ trợ vay vốn 2% nhưng doanh nghiệp cũng lo lắng, vay xong rồi có làm được không”.
Bà Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội
Bà Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội nhận định: “Bên cạnh rất nhiều chính sách hợp lý cũng có những chính sách đến nay chưa thực sự đi vào cuộc sống như: chính sách hỗ trợ thông qua ngân hàng thương mại, chính sách hỗ trợ vốn của Quỹ phát triển du lịch hay việc sử dụng Quỹ viễn thông công ích…rất cần có trọng tâm trọng điểm, chúng ta không cần nhiều chính sách, nhưng cần nâng cao tính khả thi và đặc biệt là cần đứng từ góc độ người dân để hiểu hơn người dân thực sự cần gì và doanh nghiệp thực sự muốn gì”.
Trong số 272 dự án thuộc Chương trình, có tới 107 dự án có tỉ lệ giải ngân dưới 50%. Nếu không cho phép kéo dài sẽ dẫn đến dở dang, lãng phí, đây cũng là bài toán cần xem xét thận trọng. Có ý kiến đề nghị: đối với một số dự án có hiệu quả giải ngân thấp và chưa thực hiện nghiêm các quy định liên quan có thể hủy dự toán; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Đối với các chính sách đang phát huy hiệu quả thì tiếp tục triển khai kéo dài ít nhất đến hết năm nay.
Ông Trần Anh Tuấn - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đề nghị: “Để hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì chính sách giảm thuế VAT 2% còn góp phần vào tăng thuế thu nhập cho doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị chính sách giảm thuế VAT 2% tiếp tục được kéo dài trong thời gian tới”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương
Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương kiến nghị: “Mặc dù đã kiến nghị tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn. Do đó, kiến nghị Chính phủ tổng kết, sửa đổi Luật Đầu tư công và các văn bản thi hành, xóa bỏ thủ tục không cần thiết để thực hiện đầu tư công ở nước ta nhanh chóng và hiệu quả nhất”.
Cũng tại phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe thành viên Chính phủ giải trình làm rõ hơn nội dung thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9