Quốc tế nỗ lực tiếp tế cho dải Gaza đang bên bờ vực nạn đói

MINH TÂM - THẢO TRANG - ANH DUY - HẢI ÂU // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 13/3/2024, 08:00

(HTV) - Xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel đang đẩy 2,3 triệu người dân ở dải Gaza vào tình cảnh khốn cùng.

Công tác cứu trợ và viện trợ thông qua đường bộ, đường không, đều chưa hiệu quả. Một tuyến đường biển đang là giải pháp được các nước thúc đẩy đưa hàng cứu trợ đến kịp thời, trong bối cảnh một phần tư dân số Gaza đang bên bờ vực của nạn đói.

Kể từ khi xung đột bắt đầu ngày 07/10, Israel đã cắt nguồn tiếp tế thực phẩm, nước uống, thuốc men và các vật tư khác vào Gaza. Chỉ một lượng nhỏ hàng viện trợ được đưa vào Gaza từ Ai Cập qua cửa khẩu Rafah và cửa khẩu Kerem Shalom của Israel. Điều này đã đẩy 2,3 triệu người ở Gaza vào tình trạng đói, bệnh tật lan tràn. Mới đây, Liên Hiệp Quốc cảnh báo, trẻ em Gaza đang bị suy dinh dưỡng ở mức nghiêm trọng nhất trên thế giới.

Cửa khẩu Rafah - một trong hai cửa khẩu chính đưa hàng viện trợ từ Ai Cập vào Gaza. Nguồn ảnh: Reuters

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ngày 05/3 thông báo: Cơ quan này đã không thành công khi cố gắng khôi phục hoạt động phân phối hàng cứu trợ cho người dân Palestine ở Dải Gaza.

WFP đã tạm dừng hoạt động phân phối hàng cứu trợ từ ngày 20/02 vì lý do an toàn sau khi các đoàn xe chở hàng cứu trợ bị tấn công. Hôm 05/3, 14 xe tải chở hàng đã bị quân đội Israel chặn và sau đó buộc phải quay đầu. Trong hành trình này, đoàn xe đã bị cướp khoảng 200 tấn hàng. 

Đường bộ ách tắc, các nước nỗ lực tìm cách dùng đường không để mang hàng cứu trợ đến Gaza. 

Nhiều cơ quan chỉ trích việc thả hàng viện trợ từ máy bay là tốn kém và không hiệu quả. Nhiều chuyến trong tuần qua chỉ cung cấp được 6 tấn thực phẩm, trong khi một đoàn xe tải 14 chiếc có thể mang đến 200 tấn thực phẩm cho người dân.

Chương trình viện trợ lương thực nhân đạo của Liên Hiệp Quốc cho rằng: Thả dù nên là phương sách cuối cùng, cần nỗ lực tiếp cận bằng đường bộ với khu vực Bắc Gaza để cung cấp đủ thực phẩm cho nửa triệu người đang đói tại đây.

Trước bối cảnh Israel vẫn tiếp tục hạn chế tiếp cận đường bộ, còn cứu trợ bằng đường không thì gây chết người và không hiệu quả, các nước đang nỗ lực tìm cách tăng cường hàng viện trợ cho người dân Palestine. 

Mới đây, một hành lang vận tải biển đã được Ủy ban châu  u và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vận động thiết lập, đi từ đảo Síp đến Gaza.

Trong bối cảnh thảm họa nhân đạo chưa từng có ở Dải Gaza, nhiều nước đã quyết định nối lại việc hỗ trợ cho Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên Hiệp Quốc (UNRWA), để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp mà UNRWA hiện đang gặp phải

Ngày 07/3, Qatar tuyên bố sẽ cung cấp 25 triệu đô la Mỹ cho UNRWA và kêu gọi các nước đã đình chỉ hỗ trợ xem xét lại quyết định của mình. Tiếp theo đó, Thụy Điển và Canada cũng tuyên bố tương tự. Trước đó, hồi tháng 2, EC cũng thông báo giải ngân 50 triệu euro cho UNRWA.

Trụ sở của Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên Hiệp Quốc (UNRWA) tại Dải Gaza. Nguồn ảnh: AP

UNRWA hiện có 13.000 nhân viên ở Dải Gaza, tham gia điều hành các trường học, phòng khám, các dịch vụ xã hội khác và phân phối viện trợ nhân đạo. Cuối tháng 1 qua, nhiều nước đã ngừng tài trợ cho tổ chức, do nghi vấn thành viên của UNRWA tham gia cuộc đột kích của Hamas vào Israel hồi tháng 10/2023. 

Khi tình hình nhân đạo tại Gaza đang xấu đi từng ngày, hôm 08/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, quân đội Mỹ sẽ xây dựng một bến cảng tạm thời trên bờ biển Địa Trung Hải nhằm tăng tốc viện trợ vào Gaza. 

Theo kế hoạch, hàng viện trợ sẽ được vận chuyển từ đảo Síp tới bến cảng tạm thời ở Gaza, có khả năng đem đến 2 triệu bữa ăn mỗi ngày cho người dân ở đây. 

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành cảng, sẽ không có lực lượng Mỹ nào được triển khai tới khu vực này. Kế hoạch xây cảng đang nhận nhiều sự chỉ trích trong nội bộ Mỹ. Một số nhà lập pháp và tổ chức cứu trợ chỉ trích kế hoạch cảng nổi của Mỹ nhằm che đậy sự thất bại trong việc thuyết phục Chính phủ Israel nhằm đưa thêm hàng viện trợ vào Gaza thông qua đường bộ.

Vòng đàm phán mới do Ai Cập tổ chức vẫn đang diễn ra tại Cairo với sự tham gia của các nhà hòa giải từ Ai Cập, Qatar và Mỹ, cũng như các đại diện của Hamas, tiếp tục xoay quanh thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza, trao đổi tù nhân và tăng cường đưa viện trợ vào Gaza. Quốc tế đang kỳ vọng cuộc đàm phán có thể tháo gỡ tình trạng bế tắc hiện nay và ngăn chặn thảm họa nhân đạo ở Gaza.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: