"Tang lễ của người An Nam" nói về nghi thức ma chay trong đời sống người Việt cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, do học giả Gustave Dumoutier viết.
Tác phẩm được coi là công trình khảo cứu công phu, toàn diện nhất về tang lễ của người Việt vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Tập khảo cứu được chia làm nhiều phần. Phần đầu tiên, học giả Dumoutier dành để nói về các nghi thức chuẩn bị trước và sau khi có người mất, trong đó có các bài kinh, thần chú, ... được đọc trước và trong nghi thức tang lễ; các loại bùa mai táng, ý nghĩa; nghi thức cần thực hiện; nghi lễ để tiến hành chôn cất; thuật phong thủy trong việc làm mộ phần, buổi tang lễ.
Phần thứ hai tập trung vào linh hồn sau cái chết và luân hồi, tái hiện lại tín ngưỡng cổ truyền về linh hồn sau cái chết, luân hồi.... Cuối cùng là phần phụ lục với những thông tin phong phú về tang phục, danh mục thuật ngữ, phụ lục ảnh để độc giả có thể nghiên cứu sâu.
Dumoutier không ghi chép toàn bộ chương trình tang lễ mà chọn lọc để đi sâu vào một số bước quan trọng trong tang ma, nhất là các bước có khấn khứa. Cụ thể, tác giả đề cập đến nghi lễ tống chung, kết hồn bạch, khâm liệm, thành phục, tục cúng, trấn yểm bất đắc kỳ tử, lễ an táng, cỗ tang, lăng mộ, tục thờ cúng tổ tiên và thuyết luân hồi.
Cuốn "Tang lễ của người An Nam" do Công ty sách Nhã Nam phát hành. Nguồn ảnh: Nhã Nam
Người đọc có thể thấy nhiều tập tục mà tác giả nhắc đến hiện vẫn còn được người Việt giữ như nghi lễ liệm, an táng, chôn cất, các mâm cỗ tang, tục cải táng. Tác giả còn giải thích thêm về quan niệm cũng như ý nghĩa của các nghi lễ này, nhằm tái hiện một cách đầy đủ tâm thức của người Việt xưa.
Không dùng lăng kính của một người phương Tây theo tôn giáo nhất thần, Dumoutier thể hiện quan sát sâu xa, đưa ra các nhận định phức tạp về đời sống tôn giáo ở Việt Nam.
Trong Tang lễ của người An Nam, học giả tham khảo nhiều sách cổ dưới thời Nguyễn có liên quan, nhất là sách khoa cúng, có ghi chép đầy đủ các bài văn khấn Phạn - Hán, các hình vẽ bùa chú, dùng trong từng trường hợp tang ma.
Các nguồn tư liệu được sử dụng trong quá trình hiệu khảo gồm Tam giáo chính độ thực lục, Tam giáo chính độ tập yếu, Thích Ca chính độ thực lục, Văn bia Thân cấm khử tệ, Hồi dương nhân quả lục, Hoàng Việt luật lệ, Ngọc lịch chí bảo biên, Công dư tiệp ký, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt sử ký toàn thư, Kinh Bách Duyên, Phật Quang đại từ điển.
Gustave Dumoutier (1850-1904) là một trong những học giả được nhận xét am tường về xứ Đông Dương, là cộng sự của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp với nhiều khảo cứu nổi trội về khảo cổ học, địa lý học lịch sử, dân tộc học và truyền thống dân gian.
Cuốn sách bao gồm số lượng lớn các tranh minh họa, bức vẽ nhằm tái hiện một cách chân thực, sống động các nghi lễ tang ma xưa. Nguồn ảnh: Nhã Nam
Ông sinh ra tại Courpalay, Pháp, từng học tại Hội Khảo cổ vùng Seine-et-Marne. Năm 1886, sau khi tham gia khóa học Việt ngữ và Hán ngữ tại Học viện Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh Đông phương, Dumoutier sang Đông Dương làm phiên dịch cho Paul Bert, khi ấy là Tổng trú sứ Bắc và Trung kỳ.
Trong mảng khảo cứu về Bắc kỳ, Dumoutier được xem là nhân vật tiên phong, ghi dấu ấn qua nhiều khảo cứu có giá trị trên các phương diện như quan hệ thương mại cổ giữa Đông Dương với Nhật, về chùa chiền ở Hà Nội, Trấn Vũ quán, Thành Cổ Loa, Thành nhà Mạc, Phố Khách ở Hưng Yên, những truyền thuyết lịch sử liên quan đến xứ Bắc kỳ, bản đồ hải cảng An Nam thế kỷ 15, những biểu tượng và khí cụ thờ cúng, phù thuật, bói toán.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9