Singapore đã làm những gì để làm mát thành phố trước biến đổi khí hậu?

HÀ THẢO // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 28/7/2023, 09:13

(HTV) - Biến đổi khí hậu, với những đợt nắng nóng diễn ra thường xuyên hơn và kéo dài hơn, đang làm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị nghiêm trọng hơn. Để đối phó với vấn đề này, Singapore đang thực hiện nhiều giải pháp bền vững để làm mát thành phố.

Singapore đang hướng đến mục tiêu trở thành đô thị xanh nhất thế giới. Nguồn ảnh: CPG Corporation

Trên thực tế, nhiệt độ ở các đô thị luôn cao hơn so với các vùng nông thôn. Các thành phố lớn tập trung nhiều công trình bê tông và ít cây xanh, khiến tác động của nhiệt độ cao trở nên rõ rệt hơn, và có thể đặc biệt nguy hiểm trong điều kiện khí hậu ẩm ướt và đông dân cư. Ngoài ra, vật liệu xây dựng và nhiệt lượng từ các hoạt động của con người cũng góp phần tạo nên hiệu ứng đảo nhiệt.

Là một quốc gia ở Đông Nam Á, Singapore cảm nhận rất rõ tình trạng này. Theo Ban Thư ký quốc gia về Biến đổi khí hậu Singapore (NCCS), nhiệt độ trung bình tại nước này đã tăng từ 26,9 độ C vào năm 1980 lên 28 độ vào năm 2020. Trong năm 2022 và 2023, nhiệt độ nhiều lần vượt 34 độ C, và tăng lên mức kỷ lục 37 độ hôm 13/5/2023.

Từ nhiều năm nay, chính phủ và các tổ chức ở đảo quốc sư tử đã nghiên cứu và thực hiện các biện pháp khác nhau để làm mát cho thành phố. Những biện pháp này cần phải bền vững và thân thiện với môi trường, trong khi vẫn hỗ trợ cho sự phát triển của đất nước.

Trong thử nghiệm, 2 tòa nhà bên trái được sơn bằng sơn chống nóng, còn 2 tòa nhà bên phải dùng sơn thông thường. Nguồn ảnh: Straits Times

Một biện pháp đang được thử nghiệm là dùng sơn chống nóng cho các tòa nhà chung cư. Các nhà khoa học Singapore đang hợp tác với công ty sơn Nippon để nghiên cứu sơn chống nóng Cool-Tec. Loại sơn này đã được sơn thử nghiệm ở một khu chung cư tại quận Bukit Merah.

Nghiên cứu thành công sơn chống nóng

Singapore có tỷ lệ máy điều hoà không khí trên đầu người cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á. Nguồn ảnh: CNN

Với mật độ xây dựng dày đặc, các tòa nhà ở đô thị Singapore thải ra lượng khí carbon dioxide chiếm trên 20% tổng lượng khí thải toàn quốc. Trong đó, máy lạnh chiếm khoảng 50% lượng năng lượng mà một tòa nhà tiêu thụ. Là nước có tỷ lệ lắp đặt máy điều hòa thuộc hàng cao nhất ASEAN, Singapore đang áp dụng nhiều sáng kiến để giảm mức tiêu thụ năng lượng cũng như lượng nhiệt tỏa ra môi trường từ máy điều hòa không khí.

Máy điều hòa không khí sử dụng nhiều năng lượng và giải phóng nhiệt trở lại môi trường, tạo ra những "vùng nhiệt không mong muốn", khiến không khí xung quanh thậm chí còn nóng hơn.

Một công ty địa phương có tên là Ecoline Solar đã hợp tác với các kỹ sư của Đại học Quốc gia Singapore và tạo ra một thiết bị "lai", dùng nhiệt năng sẵn có để vận hành máy lạnh. Hệ thống này giảm đáng kể mức tiêu thụ năng lượng và giảm lượng nhiệt tỏa ra môi trường.

Dùng nhiệt lượng từ môi trường để chạy máy điều hoà

Công ty công nghệ NCS đã thay thế 24% máy lạnh trong văn phòng của họ bằng hệ thống Ecoline Solar từ năm 2017. Từ đó đến nay, công ty đã giảm 32% mức tiêu thụ điện, và giảm đến 97 tấn khí thải carbonic mỗi năm.

Ecoline Solar cho biết hệ thống của họ đắt hơn khoảng 20% so với máy lạnh thông thường, nhưng mặt khác, nó có thể giúp giảm mức tiêu thụ điện 30 - 55%. Những sản phẩm tiết kiệm năng lượng của Ecoline Solar đang thu hút các doanh nghiệp lẫn các hộ gia đình.

Ông Wong Tew Kiat, một khách hàng đã lắp đặt hệ thống của Ecoline Solar tại nhà, cho biết: "Trong thời gian đại dịch, tôi làm việc tại nhà, con tôi cũng học ở nhà. Gia đình chúng tôi mở máy lạnh suốt ngày. Tôi hơi lo là tiền điện sẽ tăng cao, nhưng thật ngạc nhiên là hóa đơn vẫn như những tháng trước".

Khoảng 60% nguồn khí thải Carbon của các tòa nhà đến từ việc vận hành máy lạnh. Do đó, máy lạnh là một trong những yếu tố chính mà doanh nghiệp và người dân nên tính đến khi muốn tiết kiệm năng lượng.

Trên quy mô lớn hơn, Singapore đang triển khai mạng lưới làm mát chung cho nhiều tòa nhà. Hệ thống này tiết kiệm năng lượng, và có thể giảm 17% lượng điện tiêu thụ cho những tòa nhà trong mạng lưới.

Các tòa nhà tại trung tâm quận Tampines, phía Đông Singapore, đang được trang bị thêm mạng lưới làm mát phân tán (DDC), do Tập đoàn Năng lượng Singapore (SP Group) lắp đặt và vận hành. Mạng lưới này sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào nửa đầu năm 2025.

Cách để nhiều toà nhà có thể làm mát lẫn nhau

SP Group đã thử nghiệm mạng lưới làm mát phân tán với 14 tòa nhà ở Tampines. Kết quả cho thấy mạng lưới DDC sẽ giúp các tòa nhà giảm hơn 1.300 tấn khí thải carbon mỗi năm. Điều này tương đương với việc loại bỏ hơn 2.000 ô tô khỏi các con đường của Singapore. Mạng lưới này cũng sẽ đạt mức tiết kiệm năng lượng hơn 2,8 triệu kilowatt giờ hàng năm, có thể cung cấp điện cho khoảng 1.000 căn hộ 3 phòng ngủ trong vòng một năm. Tổng cộng, mạng lưới DDC tạo ra lợi ích kinh tế tương đương 4,3 triệu đôla Singapore hàng năm.

Quận Tampines được chọn làm nơi thử nghiệm các dự án chống nóng của Singapore vì nơi này có nhiệt độ bề mặt trung bình cao hơn các khu vực khác ở Singapore. Nguồn ảnh: Frasers Property

Các giải pháp làm mát bền vững sẽ đóng góp vào các mục tiêu năng lượng theo Kế hoạch Xanh và các mục tiêu khí hậu của Singapore, đưa quốc gia này đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào khoảng giữa thế kỷ này.
Mặc dù các giải pháp sẽ khác nhau tuỳ từng nơi, nhưng các quốc gia Đông Nam Á có thể học hỏi lẫn nhau và cùng hợp tác để giảm thiểu rủi ro khí hậu, thích ứng với nhiệt độ ấm hơn, và tạo mối quan hệ bền vững giữa con người và thiên nhiên.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: