Tăng cường hiệu quả phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa

HỒNG DIỄM - MINH CHƯƠNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 23/9/2023, 15:01

(HTV) - Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ chuỗi khối (blockchain) đã mang lại nhiều cơ hội tăng trưởng cho ngành tài chính, nhưng cũng đặt ra thách thức mới cho nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thông qua các giao dịch tiền mã hóa.

Khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý về tài sản số, tiền ảo là yêu cầu quan trọng để tăng cường hiệu quả phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị "Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 22/9.

Hội nghị "Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa" 

Thủ đoạn các loại tội phạm rửa tiền thường sử dụng là: Thực hiện các giao dịch chuyển tiền thông qua trung gian thanh toán, ví điện tử, các đối tượng có thể thực hiện hành vi ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào. Ngoài ra, nhà cung cấp dịch vụ cũng không thể xác minh danh tính thực sự của cá nhân truy cập vào tài khoản nên các đối tượng ít có khả năng bị theo dõi. 

Tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có khung pháp lý cụ thể, đồng thời nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tiền mã hóa và tài sản số còn ít. Do vậy, dù đã có Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, nhưng các tổ chức tín dụng, cơ quan nhà nước vẫn lúng túng trong việc xử lý các hành vi có liên quan đến loại hình tài sản này.

"Vì Nhà nước chưa công nhận tài sản ảo nên khi áp các quy định vào thì không được. Chỉ khi Nhà nước công nhận về mặt pháp lý thì mới có thể áp dụng các quy định về phòng, chống rửa tiền", Tiến sĩ Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam nhận định.

Tiến sĩ Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam

Từ đầu năm 2023, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã công bố Chương trình Chống lừa đảo với tên gọi là Chain Tracer. Mục tiêu là thúc đẩy tính minh bạch và công khai của các dự án tại Việt Nam và quốc tế, góp phần phòng, chống tội phạm công nghệ cao liên quan đến hoạt động blockchain. 

"Dự án Chain Tracer kêu gọi mọi người tham gia vào để làm sao chi phí truy suất dữ liệu thấp. Về vấn đề này, chúng tôi liên tục chia sẻ với cơ quan nội chính, cơ quan tư pháp, cơ quan hành pháp", ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết.

Ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tài sản số, các chuyên gia cho rằng: Cần nhận diện tài sản số là một loại tài sản mà Bộ luật Dân sự Việt Nam đã công nhận; các định chế tài chính cần xây dựng quy trình và kiểm soát tuân thủ đối với các hoạt động về chống rửa tiền liên quan tới tài sản số đối với các giao dịch qua tài khoản cá nhân.

Thông qua Hội nghị, đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam cùng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cam kết thúc đẩy các nguyên tắc quản trị và tuân thủ thông lệ quốc tế từ các tiêu chuẩn cao nhất của Basel cũng như quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền của Việt Nam, quy tắc chống rửa tiền của các tổ chức quốc tế, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ các định chế tài chính nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong các lĩnh vực trên.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: