Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức Hợp đồng BOT.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Nhà đầu tư và các cơ quan có liên quan triển khai đạt khoảng 96% khối lượng giải phóng mặt bằng; đồng thời làm việc với các Bộ, ngành, địa phương để đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai Dự án.
Tuy nhiên, Dự án đang bị chậm tiến độ nhiều so với yêu cầu đặt ra (Dự án được khởi công năm 2009, đến nay mới đạt 15,8% khối lượng công việc). Nguyên nhân là do việc huy động vốn gặp khó khăn, do thay đổi cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công, chính sách về đầu tư PPP, cũng như năng lực của Nhà đầu tư Dự án, từ đó yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang và Nhà đầu tư dự án phải tích cực, chủ động hơn nữa trong đề xuất giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ để Dự án được thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2020.
Để sớm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho Dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, Nhà đầu tư Dự án và các cơ quan có liên quan có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ: Làm rõ nguyên nhân của việc chậm tiến độ Dự án cũng như trách nhiệm của các đơn vị có liên quan; đề nghị tiếp tục đầu tư Dự án theo hình thức Hợp đồng BOT, đảm bảo thông tuyến vào năm 2020 để đáp ứng yêu cầu vận tải liên vùng nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, thống nhất với Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang để đề xuất chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông vận tải về Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang; đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc về lãi suất vay vốn cũng như các vướng mắc khác đối với Dự án; đồng thời rà soát, xây dựng lại phương án tài chính của Dự án trên cơ sở dùng vốn tài trợ của các ngân hàng thương mại nhà nước.
Đồng thời, cơ cấu lại Nhà đầu tư Dự án, thay thế nhà đầu tư yếu kém bằng nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm theo quy định của pháp luật để tiếp tục đầu tư Dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả.