(HTV) - Giá vàng thế giới tăng mạnh, kéo theo giá vàng trong nước tiếp tục tăng.
Vàng SJC ngay đầu tuần đã tăng sốc hơn 2 triệu đồng mỗi lượng, lại thiết lập đỉnh cao mới trong lịch sử lên mức 85,4 triệu đồng/lượng.
So sánh với giá vàng thế giới, hiện giá vàng trong nước đang có sự chênh lệch khá lớn. Điều đáng nói là sự chênh lệch này không phải chỉ những ngày gần đây, khi giá vàng liên tục biến động, lập đỉnh.
Giá vàng thế giới và trong nước tiếp tục tăng mạnh
Theo ông Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế, nếu như trước đây, ở giai đoạn 2012 trở về trước, trước khi có Nghị định 24 sự chênh lệch đó chỉ khoảng 1 triệu, cao nhất là 2 triệu nhưng từ khi nhà nước quản lý vàng tập trung, giá vàng trong nước đã tăng dần và những năm gần đây đã tăng trên 10 triệu đồng/lượng. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là nhu cầu thì nhiều nhưng nguồn cung bị khống chế, cung cầu bị lệch nên giá vàng trong nước càng ngày càng tăng so với thế giới.
Trước diễn biến phức tạp của thị trường trong những ngày qua và để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp can thiệp thị trường vàng, trong đó có việc sẽ tăng nguồn cung để rút ngắn chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới.
Giá vàng thế giới và trong nước tiếp tục tăng
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh cho biết, Ngân hàng đang có nhiều giải pháp hướng đến bình ổn thị trường vàng. Ngân hàng trung ương đã chỉ đạo 04 nhóm, một là can thiệp vào thị trường vàng miếng đảm bảo theo diễn biến tích cực nhưng phù hợp với giá vàng thế giới, tăng cường kiểm tra, đảm bảo tính minh bạch của thị trường... tăng cường phối hợp giữa ngân hàng nhà nước với các ngành liên quan tác động đến thị trường. Đối với Nghị định 24, Chính phủ chỉ đạo NHTW tiếp tục chỉnh sửa trên cơ sở khắc phục những tồn tại, hạn chế, đảm bảo cho thị trường vàng phát triển bền vững.
Ngân hàng Nhà nước hiện đang hoàn tất công tác chuẩn bị đấu thầu vàng miếng trở lại để tăng nguồn cung cho thị trường. Đây là lần đầu tiên sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng trở lại. Điều này cũng được kỳ vọng sẽ dần kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.
Cung cầu bị lệch nên giá vàng trong nước càng ngày càng tăng so với thế giới
Theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ cần sớm sửa Nghị định 24, xóa độc quyền vàng miếng, tăng nguồn cung vàng miếng để thị trường vàng Việt Nam có thể liên thông với thị trường vàng khu vực và thế giới, thu hẹp chênh lệch về giá.
Giải pháp quan trọng nhất để giúp cho cung cầu không chênh lệch nhiều cần có một lượng cung ra thị trường. Cụ thể là, chúng ta trở lại trước Nghị định 24 là cho phép một số tổ chức mạnh được cung ứng vàng và có lượng nhập khẩu vàng tương ứng thì sẽ co hẹp chênh lệch lại).
Theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cần có sự kiểm soát của một cơ quan chuyên trách. NHNN có chức năng nhưng bây giờ nên đặt bộ phận thường trực để kiểm soát dòng lưu chuyển về vàng từ đầu vào lẫn đầu ra. Nếu bị khan hiếm thì đưa lượng dự trữ ra để làm giảm áp lực về cầu Kiểm soát giá. Nên có một trọng tâm, đưa ra giá quy định, để giá vàng dao động ở mức tăng hay giảm từ 5 đến 7% mà thôi.
Theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ cần sớm sửa Nghị định 24, xóa độc quyền vàng miếng
Ngân hàng Nhà nước cho biết, NHNN hiện nay đang triển khai các giải pháp thực hiện tăng cung đối với thị trường vàng miếng để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới, tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ. Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý. Đối với Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo đánh giá quá trình thực hiện và cũng đã đề xuất một số phương hướng chỉnh sửa, bổ sung trong thời gian tới.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9