(HTV) - Vấn đề minh bạch trong nguồn gốc thực phẩm đã trở thành mối bận tâm chung của cộng đồng. Việc truy xuất nguồn gốc và quản lý chặt chẽ thực phẩm ngày càng trở nên cần thiết.
Trong bối cảnh TP.HCM đang tiến hành đợt kiểm tra gắt gao về nguồn gốc xuất xứ thực phẩm, tháng 9 vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện một thực trạng đáng lo ngại tại ba chợ đầu mối lớn trên địa bàn: sự xuất hiện của các chợ tự phát đang gây khó khăn trong việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ thực phẩm.
Tình trạng nông sản đạt tiêu chuẩn phải cạnh tranh với hàng hóa kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam đang diễn ra. Điển hình là tháng 7 vừa qua, một nhà phân phối lớn tại TP.HCM đã vô tình mua phải một lô thanh long không đạt tiêu chuẩn Global GAP và bị đối tác từ Mỹ trả lại hàng. Sự cố này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, công tác đàm phán nhằm nối lại các hợp đồng vẫn đang diễn ra.
Lô hàng thanh long đang được đóng gói để xuất khẩu
Thị trường tiêu thụ nông sản hiện đang phải đối mặt với một thực tế đáng lo ngại đó là nông sản đạt chuẩn chất lượng lại phải cạnh tranh với những mặt hàng kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến uy tín của các vùng trồng đã được quy hoạch và đầu tư bài bản.
Sự việc này phản ánh thực tế đáng lo ngại tại thị trường nội địa, nếu không có các yêu cầu khắt khe về chất lượng, việc tập trung vào năng suất mà bỏ qua chất lượng là điều khó tránh khỏi. Một diện tích nhỏ nuôi trồng không đạt chuẩn có thể ảnh hưởng lớn đến cả vùng sản xuất đã được quy hoạch công phu. Trên thị trường, sản phẩm đạt chuẩn lại phải cạnh tranh với hàng kém chất lượng.
Bà Huỳnh Thị Thu Trang, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nông sản Xanh An Phát, tỉnh Đồng Nai, cũng cho rằng người tiêu dùng khó phân biệt giữa sản phẩm đạt chuẩn và sản phẩm kém chất lượng vì chúng gần như giống hệt nhau về hình thức. Tuy nhiên, việc sử dụng sản phẩm không đạt chuẩn có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng.
Việc thiết lập kênh phân phối ưu tiên cho nông sản đạt chuẩn là rất cần thiết để chấm dứt tình trạng sản phẩm chất lượng cao phải cạnh tranh không công bằng với hàng hóa sản xuất theo lối chạy theo năng suất. Nông sản xuất khẩu đạt chuẩn thường có giá cao hơn từ 10 - 20% so với mức chung, nhưng sự chênh lệch này là hợp lý khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe và chất lượng sản phẩm.
Nỗ lực kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản đã cho thấy những vùng trồng mà nông dân, doanh nghiệp và địa phương có hợp tác chặt chẽ, có kế hoạch bao tiêu lâu dài và kiểm soát quy trình sản xuất một cách nghiêm ngặt thì sản phẩm dễ dàng tiếp cận thị trường. Tư duy sản xuất cũng thay đổi theo hướng giảm thiểu tối đa sự can thiệp của hoá chất. Hiện nay, hơn 90% hàng hóa tại các hệ thống siêu thị ở TP.HCM là hàng Việt, được nuôi trồng trong nước. Đây là cơ hội lớn để thanh lọc thị trường từ khâu sản xuất.
Mô hình trồng táo trong mùng
Ông Đậu Như Anh - Giám đốc thu mua ngành hàng trái cây Bách Hóa Xanh cho biết các vườn rất yên tâm khi được bao tiêu, không giống như trước đây phải thu hoạch dồn dập. Giờ đây, sản phẩm được thu hoạch từng đợt và đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn.
Việc sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn đang được cổ vũ mạnh mẽ, tạo tiền đề cho quá trình chuyển đổi mô hình nuôi trồng, đồng thời loại bỏ những vùng sản xuất không đáp ứng quy chuẩn.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe và cam kết chất lượng
Hệ thống "Tick xanh trách nhiệm" xuất hiện như một quy chuẩn kỹ thuật nhằm đảm bảo chất lượng và nguồn gốc hàng hóa một cách công khai, minh bạch được triển khai dựa vào nỗ lực hợp tác giữa Chính quyền - Nông dân - Doanh nghiệp. Khi được dán nhãn "Tick xanh trách nhiệm" nghĩa là sản phẩm này được xác nhận bởi cơ quan quản lý, tín hiệu thị trường.
Sau 6 tháng thí điểm, chương trình thu hút 8 nhà phân phối tại TP.HCM. Một sản phẩm nếu không duy trì được cam kết về chất lượng tại một hệ thống phân phối cũng sẽ bị từ chối bởi cả 7 hệ thống phân phối còn lại, dẫn đến nguy cơ mất thị trường tại TP.HCM. Các doanh nghiệp vi phạm phải khắc phục hoàn toàn các sai phạm và bắt đầu lại quá trình xét duyệt nếu muốn quay lại chuỗi cung ứng.
Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP.HCM
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM khẳng định năm 2024 sẽ đánh dấu bước chuyển tích cực trong việc quản lý và kiểm soát chuỗi cung ứng thực phẩm tại TP.HCM, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Hợp tác kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các địa phương trên cả nước sẽ hỗ trợ hình thành chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc với quy mô lớn. Nông dân chỉ cần tập trung sản xuất và giữ vững cam kết chất lượng, các nhà phân phối lớn tại TP.HCM sẽ thu mua ổn định sản phẩm an toàn.
Những mô hình sản xuất và cung ứng hiệu quả sẽ được nhân rộng, góp phần thay đổi tư duy sản xuất cũ và thúc đẩy nền sản xuất an toàn, trách nhiệm cao với cộng đồng.
Nỗ lực kết nối giữa Chính quyền - Nông dân - Doanh nghiệp đã bước sang một giai đoạn mới, khi TP.HCM đã xây dựng thành công chuỗi cung ứng mạnh mẽ và đa dạng. Thành phố đang tiếp tục tiến hành thanh lọc thị trường, hình thành vành đai an toàn bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Những sản phẩm nội địa đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho hàng Việt mở rộng thị trường và khẳng định thành công của cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9