(HTV) - Ngày 28/11, tại TP.HCM, Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tổ chức toạ đàm khoa học “Thực hiện pháp luật kinh tế ở TP.HCM: Thực trạng và giải pháp".
Từ thực tiễn thực hiện chính sách, pháp luật về tài nguyên môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu tại TP.HCM, Tiến sĩ Trần Thị Bích Nga, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương còn nhiều khó khăn, hạn chế, xuất phát từ hệ thống chính sách, pháp luật chưa được hoàn thiện. Cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu chưa được hoàn chỉnh và thiếu cơ chế chia sẻ, cung cấp thông tin. Tổ chức bộ máy và công tác quản lý Nhà nước về biến đổi khí hậu còn nhiều bất cập.
Toạ đàm khoa học “Thực hiện pháp luật kinh tế ở TP.HCM: Thực trạng và giải pháp"
Cùng với đó là việc thiếu các thiết chế quản lý hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. Nguồn lực ứng phó còn hạn chế, phân tán từ nhiều nguồn, cơ chế phân bổ vốn còn nhiều bất cập; chưa có cơ chế, thể chế tài chính với tầm chiến lược dài hạn để đón đầu, thu hút nguồn lực tài chính và hỗ trợ công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu... nên ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trong kế hoạch, chương trình lớn.
Dưới góc độ tăng cường năng lực và thể chế chính sách, Tiến sĩ Trần Thị Bích Nga cho rằng: Thành phố cần tăng cường công tác sắp xếp cán bộ có đủ năng lực, chuyên môn và khả năng quản lý, điều hành các chương trình, dự án nhằm tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực; xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực có liên quan ở cấp Thành phố; tăng cường quản lý tổng hợp để giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc lồng ghép các yếu tố và mục tiêu ứng phó vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Đồng thời, nghiên cứu giải pháp liên kết vùng và các lĩnh vực trong triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; cơ chế, chính sách thúc đẩy nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh biến đổi khí hậu; nghiên cứu đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của các giải pháp ứng phó.
Vì vậy, sự ra đời của Nghị quyết 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đặc biệt là Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố mang đến nhiều kỳ vọng cho Thành phố trong việc hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững.
Nhìn nhận cơ hội của TP.HCM từ các nghị quyết mới của Trung ương, PGS.TS Vũ Tuấn Hưng - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho rằng, để có nguồn thu và chủ động cân đối đầu tư phát triển, Thành phố cần thiết lập một phương thức công bằng, minh bạch, bảo đảm nguồn thu bền vững để thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách vượt trội.
Nên chăng, Thành phố sẽ thí điểm tiên phong vấn đề này, nếu tốt sẽ là tiền đề khuyến khích các tỉnh, thành phố cùng thực hiện sao cho chính sách công bằng tới mọi địa phương không phải là một sự “đặc thù” theo kiểu “ưu đãi”.
Nếu tiếp cận từ vấn đề đặc thù để phát triển từ việc được hưởng một số “ưu đãi” - như “đặc quyền, đặc lợi” thì chính sách đó chưa hẳn đã bền vững bởi nó chỉ có thể áp dụng trong khoảng giới hạn thời gian, không gian cụ thể. Vì lẽ đó, cần cân nhắc, xây dựng, thiết lập một cơ chế, chính sách mới, vượt trội công bằng cho TP.HCM trên cơ sở công bằng và bền vững dài lâu.
PGS.TS Vũ Tuấn Hưng cũng cho rằng, với các nội dung, cơ chế mới được đề cập trong Nghị quyết số 98/2023/QH15, Thành phố cần thúc đẩy mạnh mẽ việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối nội vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, tạo sự lưu thông giúp phát huy nguồn lực trong liên kết vùng, từ đó góp phần thu hút nguồn lực giúp quá trình đô thị hóa và phát triển của Thành phố, thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng.
Tại tọa đàm, các nhà khoa học, chuyên gia tập trung đánh giá khách quan, toàn diện thực tiễn thực hiện pháp luật kinh tế tại TP.HCM
Thực hiện tốt vấn đề này, sẽ giúp Thành phố phát triển năng động, trở thành cực tăng trưởng quan trọng của cả nước, làm tiền đề cho sự phát triển của các vùng, địa phương khác trong cả nước.
Tại tọa đàm, các nhà khoa học, chuyên gia tập trung đánh giá khách quan, toàn diện thực tiễn thực hiện pháp luật kinh tế tại TP.HCM; tổng kết những kinh nghiệm tốt, phát hiện những yêu cầu đổi mới chính sách, pháp luật kinh tế; xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá cũng như những đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Đảng bộ TP.HCM.
Theo Tiến sĩ Phạm Thị Thúy Nga - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nhà nước và Pháp luật, tất cả các đề xuất, đánh giá, góp ý, đặc biệt là những phát hiện (về các bất cập của pháp luật, những đòi hỏi của thực tiễn yêu cầu đổi mới chính sách và pháp luật trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường, tài chính, đầu tư, lao động, an sinh xã hội), những gợi mở sẽ được kết nối với nhau để nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể và tìm kiếm những giải pháp có tính hệ thống, đồng bộ, có tầm nhìn nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện thời gian tới.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9