(HTV) - Tinh hoa làng nghề Việt qua góc nhìn thiết kế nội thất đương đại đang diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội đã mang đến cho người xem nhiều cách tiếp cận mới mẻ, thú vị về những làng nghề truyền thống, quen thuộc.
Tinh hoa làng nghề Việt qua góc nhìn thiết kế nội thất đương đại
Buổi trưng bày nhằm tôn vinh làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội, đồng thời, kết nối du lịch, thương mại và đẩy mạnh các hoạt động thiết kế sáng tạo, trưng bày chuyên đề.
Chỉ trong một không gian vừa đủ rộng, trưng bày chuyên đề đã tái hiện hình ảnh 10 làng nghề tiêu biểu của thủ đô Hà Nội gồm: nghề đậu bạc Định Công, nghề thêu Khoái Nội, nghề mây tre đan Phú Vinh, nghề điêu khắc Nhân Hiền, nghề khảm trai Chuôn Ngọ, nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ Thiết Úng, nghề lược sừng Thụy Ứng, gốm Bát Tràng, nghề lụa Vạn Phúc và làm tranh dân gian Hàng Trống.
Trưng bày chuyên đề đã tái hiện hình ảnh 10 làng nghề tiêu biểu của thủ đô Hà Nội
Qua cách thể hiện, sắp đặt sáng tạo của các tác giả, những làng nghề cổ truyền, với những sản phẩm quen thuộc được thể hiện đầy sinh động và sáng tạo. Đó không chỉ đơn giản là Trưng bày khô khan mà còn truyền tải thông điệp về sự thay đổi, làm mới mình của những ngành nghề truyền thống trong nhịp sống đương đại.
Ông Đặng Minh Vệ - Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi sử dụng lối trưng bày, giải pháp trưng bày mới để mang đến cho người xem cũng như để họ tiếp nhận. Và chúng tôi cũng mong muốn làm sống lại các di sản. Chúng ta khơi gợi lại niềm đam mê sáng tạo của giới trẻ hôm nay”.
Ông Đặng Minh Vệ - Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội
10 tác phẩm trong triển lãm được trưng bày là 10 sáng kiến khác nhau, là tâm huyết và sự đam mê của nhiều nhà thiết kế trẻ. Sợi dây kết nối giữa họ là sự quyết tâm bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, là sự trân trọng được hiện thực hóa bằng sức sáng tạo không giới hạn.