Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh để đi được đến kết quả phải đổi mới tư duy, cách làm nhìn thẳng vào vấn đề thực tế để có cách tháo gỡ và không ngại việc đó.
Sáng 15/02, Quốc hội thảo luận ở tổ dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh Nghị quyết 57 rất quan trọng và cấp bách, nhưng thực tế triển khai gặp nhiều khó khăn. Nếu chờ sửa đổi Luật Khoa học, Công nghệ theo quy trình thông thường, nhanh nhất cũng phải giữa hoặc cuối năm 2025, khiến nghị quyết không thể thực hiện hiệu quả.
Ông đề nghị cần có văn bản khẩn trương để nghị quyết đi vào cuộc sống, bởi thể chế hiện tại là điểm nghẽn lớn. Nếu không tháo gỡ kịp thời, Quốc hội có thể phải họp bất thường để xử lý. Tổng Bí thư nhấn mạnh cần tập trung vào ba nhóm vấn đề trọng tâm thay vì mở rộng quá nhiều, tránh tình trạng không thể quy định cụ thể và thực hiện.

Tổng Bí thư Tô Lâm. Nguồn ảnh: Báo Tuổi Trẻ
Ngoài ra, ông cũng chỉ ra dù ai cũng nhận thức được tầm quan trọng của khoa học công nghệ, nhưng việc phát triển vẫn rất khó khăn do nhiều rào cản. Theo ông, nếu sửa Luật Khoa học, Công nghệ cũng chưa đủ thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh Luật Đấu thầu hiện nay có hạn chế khi ưu tiên giá rẻ, dễ khiến Việt Nam trở thành “bãi rác” công nghệ. Ông cảnh báo việc tiếp nhận công nghệ lạc hậu có thể kìm hãm sự phát triển, dẫn chứng về 5G, 6G và xu hướng vệ tinh tầm thấp.
Tổng Bí thư đề xuất cần “đi tắt, đón đầu” khoa học công nghệ, tránh rơi vào bẫy vốn đầu tư cũ, làm chậm tiến trình đổi mới. Ông cũng lưu ý việc cải cách chính sách thuế, tín dụng để tạo động lực phát triển, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tháo gỡ rào cản đầu tư công, hợp tác công tư.
Quang cảnh phiên họp tổ sáng 15/02. Nguồn ảnh: Báo Tuổi Trẻ
Về chiến lược khoa học công nghệ, Tổng Bí thư khẳng định đây là “miền đất hoang vu” cần được khai phá, đòi hỏi chính sách ưu tiên hợp lý. Ông nhấn mạnh việc thể chế hóa các chủ trương từ Nghị quyết 57 và đề xuất thời gian thí điểm ít nhất 5 năm để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đổi mới tư duy và thực tiễn là chìa khóa giúp Việt Nam phát triển bền vững.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9