Nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn TP, UBND TP đã ban hành Kế hoạch hành động khẩn cấp, trong đó đề ra nhiều biện pháp ứng phó với từng tình huống.
Theo đó, trường hợp dịch bệnh chưa xảy ra tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn TP nhưng xảy ra tại các tỉnh phía Bắc hoặc khu vực các tỉnh miền trung (các tỉnh không cung cấp nguồn heo, sản phẩm thịt heo cho thị trường TP), áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại; không vận chuyển, mua bán, giết mổ, tiêu thụ heo và sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y...
Trường hợp dịch bệnh chưa xảy ra tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn TP nhưng xảy ra tại các tỉnh có cung cấp nguồn thịt heo cho thị trường TP, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh như trên. Ngoài ra, nếu phát hiện trường hợp giết mổ gia súc trái phép và vận chuyển heo sống, phủ tạng và sản phẩm có nguồn gốc thịt heo không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, áp dụng biện pháp tiêu hủy đối với toàn bộ tang vật được phát hiện…
Trường hợp xảy ra bệnh dịch tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn TP thì xử lý tiêu hủy heo bệnh và heo tiếp xúc mầm bệnh; khoanh vùng ổ dịch; an toàn sinh học trong chăn nuôi; kiểm soát vận chuyển heo và sản phẩm thịt heo; giám sát và cảnh báo dịch bệnh...
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, hiện mỗi ngày thành phố tiêu thụ khoảng 10.000 con heo, trong đó số heo chăn nuôi trên địa bàn chỉ đáp ứng được khoảng 18-20%, còn lại là phải nhập từ các địa phương khác.
Trong thời gian qua, Chi cục đã chỉ đạo tất cả các trạm kiểm soát kiểm tra các phương tiện vận chuyển động vật (trong đó có thịt heo) khi ra các trạm đầu mối. Đơn vị đã bố trí lực lượng 24/24 để có thể kiểm tra, tiêu độc khử trùng thực phẩm trước khi vào thành phố. Những trường hợp có nghi ngờ dịch bệnh thì được đưa về trạm kiểm dịch động vật Hóc Môn để cách ly, theo dõi và giám sát.