TP.HCM công bố dịch sởi

28/8/2024, 08:41

(HTV) - Ngày 27/8/2024, UBND TP.HCM đã chính thức công bố dịch sởi trên địa bàn toàn Thành phố.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc họ Paramyxovirus gây ra. Nhiều người nghĩ rằng, sởi chỉ gây ra các vấn đề cho sức khỏe ít nghiêm trọng như phát ban hoặc sốt nhẹ, nhưng thực tế sởi có thể dẫn đến các biến chứng trầm trọng, đặc biệt nguy hiểm ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 1980, trước khi vắc xin sởi được tiêm chủng rộng rãi đã có gần 2,6 triệu người tử vong mỗi năm. Chỉ tính riêng năm 2012 đã có 122.000 trường hợp tử vong toàn cầu do sởi, mỗi ngày có 330 ca tử vong, mỗi giờ trôi qua có 14 ca tử vong.

Vắc xin phòng sởi đã được sử dụng trong suốt 50 năm qua, được chứng minh an toàn, hiệu quả, ít tốn kém. Trong giai đoạn 2000-2012, vắc xin phòng sởi đã giúp giảm 78% số ca tử vong trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sởi hiện vẫn còn là căn bệnh phổ biến ở các nước đang phát triển khu vực Châu Á, Châu Phi với hơn 20 triệu người bị ảnh hưởng bởi sởi mỗi năm. Hơn 95% trường hợp tử vong do sởi xảy ra ở các nước có thu nhập thấp, cơ sở hạ tầng y tế yếu kém.

Theo dữ liệu của WHO, năm 2023, số ca mắc sởi tại Châu Âu là hơn 300.000 ca, tăng 30 lần so với năm 2022. Tại Tây Thái Bình Dương, số ca mắc sởi cũng đã tăng 255%. Năm 2024, Việt Nam được cảnh báo có nguy cơ bùng phát sởi theo chu kỳ dịch mỗi 5 năm 1 lần. Trong 2 chu kỳ bùng phát dịch sởi gần nhất là 2014 và 2019, nước ta ghi nhận số ca mắc sởi tăng cao:

  • Năm 2014: Nước ta có hơn 35.000 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 6.000 ca sởi, 147 trường hợp tử vong liên quan đến sởi.
  • Năm 2019: Cả nước ghi nhận 40.000 ca sởi, với 4 ca tử vong.
  • Năm 2020: Có hơn 3.000 ca.
  • Trong giai đoạn 2021-2023: Trung bình mỗi năm ghi nhận 300-500 ca mắc sởi.
  • Trong 3 tháng đầu năm 2024: Ghi nhận 130 trường hợp mắc sởi, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ 2023.

Nguyên nhân số ca mắc sởi gia tăng là do tỉ lệ tiêm chủng vắc xin sởi giảm mạnh trong đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, việc gián đoạn cung ứng vắc xin trong chương trình Tiêm chủng Mở rộng năm 2023 đã gây ra tác động không nhỏ trên tỉ lệ tiêm chủng vắc xin ở trẻ em trên toàn quốc. Ngay cả số lượng vắc xin phòng sởi trong chương trình tiêm chủng dịch vụ thời điểm đó cũng rất hạn chế, dẫn đến tình trạng nhiều trẻ chưa được tiêm ngừa vắc xin sởi theo lịch.

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm, không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính, mà còn có thể gây viêm nhiễm thần kinh, rối loạn cơ, hệ vận động, ảnh hưởng lên nhiều cơ quan trên cơ thể. Tổn thương lên các cơ quan có thể kéo dài, thậm chí có những trường hợp kéo dài vĩnh viễn như viêm não, viêm màng não, mù lòa,… Ngoài ra, bệnh sởi còn có một năng lực vô cùng nguy hiểm là “xóa trí nhớ miễn dịch”. Sởi có thể phá hủy trung bình 40 loại kháng thể trong cơ thể người.

Theo kết quả một cuộc nghiên cứu tiến hành bởi nhà di truyền học Stephen Elledge tại Đại học Harvard vào năm 2019, bệnh sởi đã loại bỏ 11-73% kháng thể ở trẻ em. Khi mắc sởi, hệ thống miễn dịch của người bệnh bị phá hủy hầu như không còn, bị tái thiết lập như miễn dịch của một đứa trẻ non nớt, vừa mới sinh. Người bệnh sởi trở nên nhạy cảm hơn trước các tác nhân gây bệnh, dù là các bệnh đã từng mắc trước đây. Khi mắc bệnh, nguy cơ biến chứng và tử vong cực kỳ cao.

Nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC)

 

Ý kiến của bạn: