TP.HCM ghi nhận thêm 3 ca ghép tạng thành công

NGỌC PHƯỢNG - THIỆN TÙNG - QUỐC KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 28/8/2024, 16:00

(HTV) - Một ca ghép tim xuyên Việt kéo dài 10 giờ, từ Hà Nội vào TP.HCM, với sự tham gia của gần 100 nhân viên y tế từ các bệnh viện đã thành công, ghi dấu ấn mới trên bản đồ ghép tạng của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ca ghép tim được thực hiện bởi các bệnh viện, bao gồm Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) và Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.

Đặc biệt, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng thông tin về ca ghép chia gan trước đó, cùng lúc cứu sống thêm 2 bệnh nhân. Đây có thể xem là điều kỳ diệu của y học, cũng là phép màu sự sống từ việc hiến tạng.

Ca ghép tim xuyên Việt kéo dài 10 giờ, từ Hà Nội vào TP.HCM

Ngay khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội về khả năng nhận được trái tim của người chết não, 20 giờ ngày 24/8, hàng trăm y bác sĩ, nhân viên, cùng sự phối hợp của các cơ quan ban ngành, đã bắt đầu vận chuyển trái tim về TP.HCM. Dù đối mặt với nhiều thách thức về việc xác định các kháng thể bất thường và chuẩn bị máu phù hợp cho ca mổ, quả tim đã được ghép thành công cho bệnh nhân L.A.H tại Bệnh viện Đại học Y Dược lúc 3 giờ sáng 25/8.

Ghép tim thành công cho bệnh nhân cơ tim giãn

Bên cạnh trái tim được ghép cho người bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Dược, hai quả thận của người hiến được ghép đồng thời cho hai người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, gan của anh được ghép cho một người bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và giác mạc của anh được ghép cho người bệnh tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM: “Hành trình dù ngoài lồng ngực 7 giờ vẫn an toàn của trái tim là niềm tự hào về tinh thần kết nối một lòng vì sự sống của người bệnh, thành công lần này phải gửi lời cảm ơn đến Lãnh đạo Bộ Y tế, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, Công an TP. Hà Nội, Công an TP.HCM đã cùng phối hợp. Tính đến nay, Bệnh viện đã thực hiện thành công 48 ca ghép thận và 53 ca ghép gan. Với sự tiến bộ của các ca ghép tạng này, trong thời gian tới, người dân sẽ có nhiều cơ hội hơn để được ghép tạng”.

Hai ngày trước đó, một người đàn ông 53 tuổi bị ung thư gan và xơ gan nặng và một bé gái một tuổi ở bị xơ gan ứ mật nguyên phát cũng đã được cứu sống. Đây là trường hợp chia gan được hiến bởi người chết não thành 2 mảnh để ghép cùng lúc cho 2 bệnh nhân. 

Như vậy chỉ trong vài ngày qua, đã có đến 3 bệnh nhân được cứu sống từ nguồn tạng hiến. Ghép tạng là phương pháp điều trị duy nhất mang lại hiệu quả cho các người bệnh mắc bệnh suy giảm chức năng tạng cấp hoặc mạn tính khi không còn cách điều trị nào khác. Tuy nhiên, số lượng người bệnh đang có nhu cầu ghép tạng nói chung và ghép gan nói riêng rất lớn. Trong khi đó, tạng ghép từ người hiến chết não vẫn còn hạn chế, và tạng ghép từ người thân hiến tặng không thể đáp ứng đủ nhu cầu, do bất tương hợp giữa người cho và người nhận. Ca phẫu thuật này là minh chứng rõ ràng cho năng lực chuyên môn của Bệnh viện Đại học Y Dược trong lĩnh vực ghép gan. Thành công này không chỉ giúp gia tăng giá trị của tạng hiến mà còn mở ra hy vọng cho nhiều người bệnh khác trong tương lai.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: