(HTV) - Ngành nông nghiệp TP.HCM nhiều năm qua chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị. Do đó, 06 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực được ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cho những sản phẩm nông nghiệp chủ lực này, ngành nông nghiệp đã có nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm nông nghiệp đến rộng rãi người dân, giúp cho tăng sự nhận biết về thương hiệu, góp phần tiêu thụ, gia tăng giá trị sản phẩm.
Ngay từ khi mới thành lập, Hợp tác xã nông nghiệp Tuấn Ngọc ở TP. Thủ Đức đã ứng dụng công nghệ cao vào trồng rau trên hệ thống thủy canh cải tiến để tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao giá trị trên 1 diện tích canh tác. Hướng đi này phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị của TP.HCM. Đến với các hội chợ, triển lãm, sản phẩm đã được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Ông Lâm Ngọc Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã cho biết thêm, các sở ban ngành cũng làm cầu nối cho các hợp tác xã đưa hàng vào siêu thị. Thuận lợi mà Hợp tác xã nhận được thông qua các chương trình xúc tiến thương mại là tiếp cận nhiều thị trường hơn, không chỉ siêu thị, còn có các kênh Tiki, Sendo, Lazada, tăng cường nhiều hơn kênh đưa hàng ra thị trường, chứ không chỉ phụ thuộc mỗi kênh siêu thị.
TP.HCM nâng tầm nông nghiệp công nghệ cao với chiến lược xúc tiến hiệu quả
Trong xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường, việc giới thiệu sản phẩm thông qua hoạt động tiếp thị sản phẩm trên sàn thương mại điện tử hay tham gia các hội chợ tạo điều kiện giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối cung cầu hàng hóa. Theo ông Phạm Quang Hợi - Giám đốc trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp TP.HCM, thời gian qua Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động nhằm xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP, chủ lực, công nghệ cao. Định kỳ thứ Sáu, Bảy, Chủ nhật sẽ tổ chức chợ phiên nông sản an toàn để giới thiệu sản phẩm OCOP, chủ lực. 5 tháng đầu năm tổ chức 36 phiên chợ, doanh thu đạt gần 5 tỷ đồng...
Ngành nông nghiệp TP.HCM đã triển khai đa dạng hoạt động nhằm hỗ trợ người làm nông nghiệp Thành phố có được đầu ra sản phẩm ổn định và bền vững hơn, mục tiêu đến cuối năm 2025 đạt trên 90% cơ sở sản xuất tham gia chuỗi sản phẩm được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại được sử dụng mã vạch truy xuất nguồn gốc.
Ông Phạm Quang Hợi cũng thông tin thêm, Trung tâm đã cùng với các đơn vị phối hợp nhiều hoạt động, như gắn với sở Công thương mời các đơn vị phân phối hỗ trợ ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Gắn với sở du lịch tạo tour tuyến để đưa khách du lịch đến tham quan sự kiện, quảng bá sản phẩm.
Ông Cấn Sơn Trường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn TP.HCM cho biết, đầu ra quan trọng, nên đơn vị đã phối hợp các đơn vị, Sở Công Thương, ITPC tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại qua các kênh chợ phiên, triển lãm.
Với những giải pháp cụ thể từ Thành phố, người làm nông nghiệp ở TP.HCM đã mạnh dạn đầu tư công nghệ vào sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn Thành phố.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9