TP.HCM hướng đến xây dựng nền nông nghiệp thông minh, an toàn và hiệu quả

VŨ TUYÊN - XUÂN HẠO // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 24/5/2023, 16:00

(HTV) - Các chính sách hỗ trợ cho hoạt động sản xuất được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương đã đi vào thực tế một cách hiệu quả.

Tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến việc đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp TP.HCM đang chuyển dịch sang mô hình nông nghiệp đô thị, tập trung sử dụng công nghệ cao và sinh học để sản xuất giống cây trồng. Các chính sách hỗ trợ sản xuất được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương và hiệu quả trong thực tế. Điều này phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp nông dân, nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045.

Hoa lan được xem là sản phẩm phù hợp để trồng ở đô thị và mang lại giá trị kinh tế cao. Vì vậy, hoa lan đã được chọn là một trong năm nhóm sản phẩm chủ lực của thành phố. Với lợi thế đó, TP.HCM đã tổ chức một chương trình riêng hàng năm dành cho hoa lan. Trong tháng 4 vừa qua, Festival Hoa lan TP.HCM lần thứ 2 năm 2023 đã giới thiệu 29.000 sản phẩm của nhiều loại khác nhau, trong đó hơn 91% được trồng tại TP.HCM.

TP.HCM đã tổ chức một chương trình riêng hàng năm dành cho hoa lan

Theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp TP.HCM, chủ tịch ban tổ chức chương trình, giá trị của hoa lan gấp 8-9 lần so với các loại hoa khác. Tuy nhiên, hiện nay hoa lan chỉ cung cấp được không quá 20%. Vì vậy, việc chuyển đổi trồng hoa lan được khuyến khích, không chỉ giúp người nông dân tăng thu nhập mà còn có thể phát triển du lịch dựa trên hình ảnh của hoa lan.

Với những lợi thế này, ngành nông nghiệp TP.HCM đã hỗ trợ nhiều nông dân trong việc xây dựng nhà màng và cung cấp hướng dẫn kỹ thuật để đạt được hiệu quả cao nhất.

Nguyễn Hữu Hoài Phú - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp TP.HCM, chủ tịch ban tổ chức chương trình Festival Hoa lan TP.HCM lần thứ 2 năm 2023

Tại buổi Họp mặt Ban chủ nhiệm CLB nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2023, Hội nông dân TP.HCM cho biết rằng trong năm 2022, Thành phố có gần 14.000 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Các đơn vị này tập trung vào phát triển các sản phẩm tiêu biểu của Thành phố và quyết định mạnh dạn chuyển đổi mô hình theo hướng nông nghiệp đô thị để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, và có chất lượng cao.

Sự nhanh nhạy trong việc ứng dụng công nghệ giúp sản phẩm tăng cả về năng suất và chất lượng, ví dụ như câu chuyện về việc trồng rau thủy canh của Hợp tác xã nông nghiệp Tuấn Ngọc ở Thành phố Thủ Đức. Theo đó, hệ thống thủy canh hồi lưu để trồng rau giúp đơn vị tăng sản lượng gấp 3-4 lần so với cách trồng truyền thống. Đặc biệt, do đa phần sử dụng máy móc nên không tốn nhiều nhân công, và thời gian thu hoạch rau cũng sớm hơn 5 ngày so với phương pháp canh tác truyền thống.

Sự nhanh nhạy trong việc ứng dụng công nghệ giúp sản phẩm tăng cả về năng suất và chất lượng

TP.HCM được đánh giá là "cái nôi" của cả nước về ứng dụng khoa học công nghệ vào ngành nông nghiệp. Bên cạnh việc kịp thời chuyển đổi mô hình phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, ngành nông nghiệp thành phố cũng chú trọng vào lĩnh vực công nghệ sinh học.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quân - Giám đốc trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM, đơn vị đã cho ra đời nhiều dự án và áp dụng thành công vào thực tế. Điển hình là Công trình nghiên cứu chế tạo sản phẩm Interferon heo tái tổ hợp. Sản phẩm này đã được sử dụng thử nghiệm trên 11.407 heo thịt và 1.209 heo nái, nọc ở các trại chăn nuôi heo trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh. Bước đầu, sản phẩm đã chứng minh được hiệu quả trong việc phòng bệnh dịch tả heo châu Phi và tiềm năng phòng và trị bệnh do các vi rút khác. Những sản phẩm này có giá thành hợp lý và an toàn.

 Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quân - Giám đốc trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM Đinh Minh Hiệp, sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết về Nông nghiệp, Thành ủy đã xây dựng chương trình hành động số 28 đầu năm 2023, nhằm cụ thể hóa những quyết sách liên quan đến tam nông. Đồng thời, trong tinh thần đó, TP.HCM sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được mục tiêu nông nghiệp là sinh thái, nông dân văn minh và nông thôn hiện đại. Từ đó, ngành nông nghiệp sẽ cố gắng cung cấp điều kiện tốt nhất cho người dân, nhằm tăng thu nhập.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM 

Thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều dư địa để phát triển nông nghiệp, nhờ vào lợi thế của thị trường đa dạng, nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực. Những hỗ trợ này giúp cho các công trình nghiên cứu và mô hình mà ngành nông nghiệp TP.HCM đang triển khai đạt được hiệu quả cao, đóng góp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị nông sản, tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu, góp phần giúp xây dựng nền nông nghiệp thông minh, an toàn và hiệu quả.

>>> Xin mời quý vị đón xem Chương trình Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: