(HTV) - Nghị quyết 57 là cơ hội vàng để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới nhờ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia từ Nghị quyết 57 là cơ hội tốt nhất để nước ta phát triển trong kỷ nguyên mới, đặc biệt là hướng tới đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và hai con số trong giai đoạn 2025 - 2030.

Nghị quyết 57
Khó khăn về thể chế, kinh phí và nguồn nhân lực được kỳ vọng sẽ được tháo gỡ dứt điểm. Trong đó, đột phá về thể chế là điều tiên quyết và quan trọng nhất, giúp cho hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại TP.HCM bứt phá mạnh mẽ, nhất là đối với lĩnh vực công nghệ chiến lược.


Nhóm nghiên cứu vi mạch cho hệ thống thông tin thế hệ mới
Thiết kế vi mạch và bán dẫn là lĩnh vực mang tính chiến lược quốc gia, đây cũng là ngành mà Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM có thế mạnh và chú trọng đầu tư.
Sau khi đã hợp tác với Viettel thiết kế chip 5G, hiện nay nhóm nghiên cứu ấp ủ nghiên cứu vi mạch cho hệ thống thông tin thế hệ mới như hệ thống 6G hay hệ thống thông tin quang tốc độ cao.
Lĩnh vực công nghệ cao nên nguồn nhân lực phải chất lượng cao, kinh phí đầu tư rất lớn.

Tiến sĩ Huỳnh Phú Minh Cường - Phó Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM
Theo Tiến sĩ Huỳnh Phú Minh Cường - Phó Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM, việc thiết kế vi mạch gặp nhiều khó khăn do chi phí phần mềm thiết kế độc quyền từ Mỹ quá cao. Bên cạnh đó, chi phí chế tạo thử nghiệm vi mạch cũng rất tốn kém, có thể lên đến hàng tỷ đồng cho một con chip nhỏ.
Ông Cường cũng chỉ ra những khó khăn trong cơ chế khoa học hiện hành, như cơ chế sử dụng và huy động vốn, cũng như hợp tác với bên ngoài, gây cản trở cho các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Tọa đàm: “Nghị quyết 57/NQ-TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” do Trường Đại học Bách khoa, Đại học quốc gia TP.HCM tổ chức
Các nhà khoa học nhận định, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu phát triển theo Nghị quyết 57 đến năm 2030 lên tới 2% GDP thay vì chỉ 0,42% như hiện nay, có chính sách đặc biệt về nhân tài, có các quy định giải phóng nhà khoa học tự do sáng tạo sẽ giúp hệ thống các trường đại học tại TP.HCM phát huy mạnh mẽ lợi thế vốn có về nghiên cứu khoa học và đào tạo.
Trao đổi về những khó khăn trong quá trình hợp tác giữa Đại học Quốc gia TP.HCM và chính quyền thành phố, Phó Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Mai cho biết, trước đây, do vướng mắc về luật ngân sách, Đại học Quốc gia TP.HCM gặp nhiều hạn chế khi sử dụng nguồn lực đầu tư từ địa phương. Mặc dù đã có những ký kết hợp tác và xây dựng các trung tâm, chương trình nghiên cứu đáp ứng nhu cầu của TP.HCM, Đại học Quốc gia vẫn gặp khó khăn trong việc triển khai do là cơ quan Trung ương.
Tuy nhiên, với Nghị quyết 57, bà Mai kỳ vọng Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ có thể đồng hành cùng thành phố trong việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao, giải quyết những khó khăn trước đây và tận dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển.

Trường Đại học Quốc gia TP.HCM

Trường Đại học Bách khoa TP.HCM
Thể chế đột phá đã có, nguồn vốn đầu tư cũng sẽ rất lớn, điều quan trọng thời điểm này là TP.HCM cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó đặc biệt chú trọng vào phát triển nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ.

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - Phó Vụ trưởng Vụ Tham mưu tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng
Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - Phó Vụ trưởng Vụ Tham mưu tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng đã nhấn mạnh ba yếu tố then chốt để thực hiện Nghị quyết 57. Thứ nhất, cần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi đây là yếu tố then chốt để thực hiện thành công Nghị quyết. Thứ hai, TP.HCM cần đầu tư và nâng cấp hạ tầng khoa học công nghệ, đặc biệt là các phòng thí nghiệm trọng điểm, nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo (A.I.) và không gian lượng tử. Cuối cùng, cần sớm hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết 57 về hoàn thiện thành phố thông minh vào năm 2030, đồng thời đưa tất cả các hoạt động của hệ thống chính trị lên môi trường số.

Giáo sư - Tiến sĩ Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM
Giáo sư - Tiến sĩ Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM khẳng định trường có thế mạnh trong các ngành công nghiệp chiến lược được Nghị quyết đề cập, như A.I., công nghệ bán dẫn và vật liệu mới. Trường đang triển khai các dự án, chương trình phát triển các nhóm nghiên cứu, tham gia phát triển công nghệ lõi và nâng cao năng lực nguồn nhân lực khoa học công nghệ. Đại học Bách khoa ấp ủ phát triển thành trung tâm KHCN, đổi mới sáng tạo của khu vực, với hàng nghìn nhà khoa học, trong đó có nhiều người hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp chiến lược.
Hiện Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 03 về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57. TP.HCM có thể dựa trên chương trình hành động này để xác định rõ từng nhiệm vụ, lĩnh vực nghiên cứu phù hợp để tận dụng tốt các lợi thế. Chuyên gia nhấn mạnh: Nghị quyết 57 chỉ thực sự là xung lực đổi mới, động lực bứt phá "khi và chỉ khi" thành phố "đón đầu cơ hội", biết nắm bắt và tận dụng hiệu quả.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9