(HTV) - TP.HCM thí điểm liên kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng, nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
"Nâng cao trách nhiệm nhà sản xuất" cũng là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2023 khi tiến hành liên kết TP.HCM với 6 vùng kinh tế trên cả nước. Ngày nay, ở hầu hết siêu thị của thành phố, người tiêu dùng có thể nhìn thấy khu vực riêng bán sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền. Tất cả đều đi thẳng từ nhà sản xuất - hợp tác xã đến siêu thị, không qua trung gian. Điều này giúp chuỗi cung ứng ngày càng hiệu quả, đặc biệt là trong vấn đề kiểm soát chất lượng.
TP.HCM hiện có 48 trung tâm thương mại, 267 siêu thị và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi. Tiêu chuẩn hàng hóa vào siêu thị luôn gắt gao. Tuy nhiên, để duy trì ổn định nguồn cung, các hệ thống phân phối cũng gặp không ít khó khăn.
TP.HCM: Kiểm soát chất lượng thực phẩm - vi phạm sẽ mất thị trường
TP.HCM tập trung đến hơn 80% nhà phân phối hiện đại trong khi nguồn lực từ các sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo vẫn còn rất lớn. Việc hình thành bộ quy tắc chung về hàng hóa các hệ thống phân phối của TP.HCM được kỳ vọng sẽ góp phần tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, mở đường cho nhiều sản phẩm mới.
Lãnh đạo các doanh nghiệp bán lẻ đề xuất thành lập Hiệp hội Bán lẻ
Hiện có 6 hệ thống phân phối đăng ký tham gia chương trình "Liên kết kiểm soát chất lượng hàng hóa nhà cung ứng" gồm: Saigon Coop, Satra, Bách hóa xanh, MM Mega, Aeon, Central Retail và chọn thí điểm trên một số mặt hàng rau củ, trái cây và thịt.
Bước tiến mới trong hoạt động liên kết sẽ đặt nền móng vững chắc cho việc dẹp bỏ thực phẩm chưa đúng chuẩn, đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng về việc kiểm soát chất lượng ngay từ gốc, tăng sức mạnh và lòng tin cho chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9