(HTV) - Mới đây lãnh đạo Thành phố đề nghị Bộ Y tế chấp thuận cho mở rộng thí điểm 40 loại thuốc BHYT của bệnh viện hạng 3, 4 cho trạm y tế.
“Mỗi lần đi lên bệnh viện chờ đợi lâu lắm, có khi tôi phải đi từ 4 - 5h sáng. Nên cứ 3 tháng tôi mới lên bệnh viện một lần để làm xét nghiệm tổng quan hết, rồi mang toa về trạm y tế lấy thuốc bảo hiểm y tế cho tiện. Tôi mong muốn trạm y tế sẽ có thêm nhiều loại thuốc để bệnh nhân họ đến đây lấy cho gần và đỡ tốn kém…”, chia sẻ của bà Nguyễn Thị Nga, hơn 60 tuổi khi đến tái khám nhận thuốc tại trạm y tế phường 16, quận Gò Vấp.
Bà Nga đến tái khám, lấy thuốc tại trạm y tế phường 16, quận Gò Vấp.
Theo ghi nhận, hiện nhu cầu đến khám bệnh ban đầu hoặc tái khám và lấy thuốc trực tiếp tại trạm y tế của người dân đang ngày một cao, nhất là nhóm các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, bệnh tim mạch, cao huyết áp...
Bác sĩ CKI Lê Thanh Quyết, Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận Gò Vấp cho biết, trung tâm đã triển khai khám, chữa bệnh bằng BHYT đến với người dân từ năm 2018, hiện tại cơ bản đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Tuy nhiên vì vướng phân tuyến kỹ thuật, tuyến trạm y tế là tuyến 4 nên có một số loại thuốc thiết yếu nhưng người dân không được tiếp cận. Lý do là những thuốc này chỉ được cấp phép ở tuyến bệnh viện, BHYT mới chi trả, còn nếu cấp phát ở trạm y tế thì không được bảo hiểm chi trả. Đơn vị này đề xuất xin cơ chế đưa danh mục thuốc điều trị bệnh mãn tính không lây vào danh mục thuốc mở rộng, đặc biệt là thuốc điều trị bệnh nhân tâm thần. Vì hiện bệnh nhân tâm thần bắt buộc phải lên phòng khám của quận khám mới được cấp phát thuốc chứ không được cấp phát tại trạm, như vậy rất khó khăn trong công tác quản lý cũng như đi lại của bệnh nhân.
Dược sĩ chuẩn bị đơn thuốc cho bệnh nhân tại trạm y tế
Về khó khăn trong việc tự đấu thầu thuốc, dược sĩ Trần Bảo Quốc, Trưởng khoa Dược – Trung tâm y tế Quận 12 cho hay, thời gian qua đơn vị đã rất nổ lực, nhờ trúng gói thầu cấp địa phương mà có 15 công ty dược nhận cung cấp hơn 30 mặt hàng cho địa phương. Tuy nhiên trước đó, nhiều thời điểm lượng bệnh nhân đến các trạm không nhiều, dự trù thuốc trạm y tế gửi lên cho Trung tâm y tế ít, khiến việc đấu thầu gặp nhiều khó khăn, bởi các công ty dược không nhận gói quá ít thuốc.
“Nhiều thời điểm lượng thuốc dự trù không đều, bệnh nhân mang toa thuốc từ bệnh viện đến gồm 5 loại, trạm y tế chỉ có được 2 loại, còn lại người dân phải tự đi mua ngoài, rất phiền hà. Sở dĩ thuốc không đủ là do trạm không dự trù đủ thuốc do nhiều thời điểm bệnh nhân đến đông hơn thường kỳ. Còn nếu dự trù nhiều hơn, khi ít bệnh nhân, thuốc lại dư thừa, hết hạn”, bác sĩ Trương Minh Thống Nhất, trưởng trạm y tế Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM chia sẻ thêm.
Khoa Dược – Trung tâm y tế Quận 12 đang kiểm tra danh mục thuốc tại trạm y tế Tân Thới Nhất.
Từ thực tế trên, với mục tiêu cung ứng đầy đủ thuốc thiết yếu cho trạm y tế, đảm bảo có sự tương đồng với danh mục thuốc tuyến trên, Sở Y tế đã có chủ trương triển khai đấu thầu tập trung mở rộng hướng về y tế cơ sở nhằm tăng cường cơ số thuốc cho các trạm y tế, đồng thời kiến nghị Bộ Y tế mở rộng danh mục thuốc KCB BHYT dành cho trạm y tế. Việc triển khai đấu thầu tập trung thuốc thay cho các trung tâm y tế quận, huyện tự đấu thầu với danh mục thuốc mở rộng khi được triển khai sẽ giải quyết cơ bản các khó khăn do thiếu nhân lực đấu thầu của các trung tâm y tế quận huyện.
PGS. TS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở y tế TP.HCM trao đổi với phóng viên HTV.
Theo PGS. TS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở y tế TP.HCM, các bác sĩ ở trạm hoạt động ưu tiên hàng đầu đó là quản lý các bệnh mãn tính không lây, bởi vì nó chiếm 70 % nguyên nhân tử vong của người dân. Nếu làm tốt công tác này sẽ chắc chắn sẽ làm nâng cao tuổi thọ, giảm tử vong như vậy thì không lý do gì mà bó hẹp với danh mục thuốc. Sở y tế đã nhiều lần kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Y tế cũng đã có đáp ứng nhưng vẫn chưa đủ, sở sẽ tiếp tục kiến nghị. Xét về góc độ nào đó, vấn đề kinh tế xã hội sẽ rất hiệu quả kinh tế. Bởi khi người dân sẽ được chăm sóc, được nhận thuốc tại trạm thì các chi phí về thời gian, về tiền bạc, đi xe sẽ được tiết kiệm. Sở cũng cho biết, ngoài cơ sở hạ tầng thì trang thiết bị cũng rất cần cho trạm y tế. Nhưng trang thiết bị ở trạm sở sẽ cân nhắc gọi là trang thiết bị thích hợp, không đòi hỏi những trang bị cao cấp, chỉ cần những cái máy đo SPO2, những cái máy đo huyết áp...
>>> Xin mời quý vị đón xem những hình ảnh, thông tin chi tiết hơn trong chương trình thời sự của HTV lúc 20h trên HTV9