Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa rất lớn

Thành ủy TP.HCM 19/5/2022, 08:33

Hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI.

Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhấn mạnh, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là mục tiêu, nền tảng xã hội cho thành phố phát triển nhanh và bền vững; hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Bác…

Nhằm tạo thêm diễn đàn để tiếp thu ý kiến trao đổi, hiến kế của chuyên gia trong việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Lâm Nhân, Ủy viên Hội đồng Cố vấn xây dựng Đề án Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM (ảnh), xoay quanh nội dung này.



* Phóng viên: Thưa PGS.TS. Lâm Nhân, TP.HCM đang xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, dưới góc độ một chuyên gia nghiên cứu văn hóa, ông có thể chia sẻ việc hình thành không gian này có ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn hiện nay?

PGS.TS. Lâm Nhân: Trước tiên, tôi nghĩ rằng bất cứ một thành phố nào trên thế giới này cũng có một bản sắc. Hiện nay, tại Việt Nam, tôi có dịp đi đến nhiều thành phố, không thấy rõ được bản sắc văn hóa mang tính đặc trưng của từng địa phương. Đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam, bản sắc văn hóa ở từng thành phố dường như chưa được thể hiện rõ… Trong khi đó, TP.HCM có một đặc trưng riêng mang giá trị, đó là thành phố mang tên Bác. Việc xây dựng không gian văn hóa này phải truyền tải được giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, đó là những giá trị từ tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.

Do đó theo tôi, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa rất lớn. Thứ nhất, chúng ta đang học tập tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; thông qua xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ góp phần làm cho việc học tập và làm theo Bác trở thành nếp sống, đặc trưng văn hóa của đảng viên và nhân dân thành phố. Đây là một trong các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức. Thứ hai, chúng ta đang muốn xây dựng bản sắc văn hóa riêng của những thành phố, không chỉ ở TPHCM, do đó, nếu chúng ta xây dựng thành công không gian văn hóa Hồ Chí Minh, sẽ góp phần lan tỏa đến các thành phố khác, trong nước cũng như một số nước trên thế giới, để chúng ta có thể cùng nhau xây dựng bản sắc riêng của thành phố mình.

* Khái niệm không gian văn hóa Hồ Chí Minh còn khá mới và tương đối rộng, làm cách nào để có thể lan tỏa ý nghĩa của không gian này đến người dân, đặc biệt là giới trẻ có thể hiểu và cùng góp phần xây dựng, thưa ông?

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thuộc kiến trúc thượng tầng, còn hạ tầng cơ sở quyết định những cái này thì lại khác. Để nói cho người dân nghe, hiểu bằng lý thuyết suông sẽ rất khó, chúng ta cần cụ thể hóa thông qua các hoạt động. Ví dụ, chúng ta xây dựng những không gian cụ thể mang tính công cộng như Bác Hồ với thể thao, Bác Hồ với văn hóa - nghệ thuật, Bác Hồ với thiếu nhi… Những không gian công cộng này phải gắn với hình ảnh Hồ Chí Minh, bằng những câu chuyện gần gũi, việc làm dễ nhớ, câu nói dễ thuộc… để làm sao người dân hiểu được rằng, đây, trong khu vực này Bác với thể thao, Bác với văn nghệ sĩ, với các tầng lớp nhân dân… Những hoạt động khác cũng cần được cụ thể và mở rộng để chuyển tải không gian văn hóa Hồ Chí Minh đến với mọi người để họ thấm từ từ, hiểu từ từ chứ không thể một lúc, một thời gian ngắn mà người ta hiểu được ngay. Tất nhiên, đi cùng với công việc này cần phải có thiết chế văn hóa truyền thống và thiết chế văn hóa mới, là các nhà hát, công viên, các cơ sở hoạt động văn hóa, gắn với hoạt động của Bác để chuyển tải được giá trị của Bác đến với người dân.

* Theo ông, nền tảng và những chất liệu nào để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh?

Đó chính là giá trị văn hóa, con người Sài Gòn - TP.HCM mà không địa phương nào có được. Thứ nhất, mình có con người, có nội lực, có tâm huyết, trí tuệ, đạo đức thì sẽ thành công. Thứ hai, chúng ta có môi trường, hiện nay ở TP.HCM có đặc trưng hay nhất là thành phố mang tên Bác, thành ra du khách bước vào TP.HCM đã thấy một bản sắc, mình đang có bản sắc văn hóa Hồ Chí Minh rồi, nhưng quan trọng là làm sao bản sắc đó biểu hiện ra bên ngoài để người ta thấy rõ. Đối với các thiết chế văn hóa thì hiện nay chúng ta đã đầu tư, ngoài thiết chế văn hóa xưa, tôi thấy thành phố đã quan tâm xây dựng bảo tàng, nhà hát, các sân vận động, khu công viên… để mọi người dân sinh hoạt văn hóa. Tôi muốn nhấn mạnh lại là những thiết chế văn hóa mình xây thì nó phải gắn với giá trị văn hóa con người Hồ Chí Minh.

* Tại Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, việc đào tạo để hình thành ý thức và kỹ năng của sinh viên như thế nào để góp phần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, ông có thể chia sẻ thêm?

Ở Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, ngoài việc đào tạo các nội dung theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh” trong sinh viên và cán bộ, giảng viên. Bên cạnh đó, nhà trường còn phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM để sinh viên đến tham quan, tìm hiểu, học tập thường xuyên. Các sự kiện do Đảng, Đoàn Khối Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức về nội dung học tập và làm theo Bác cũng ghi nhận sự tham gia đông đảo và nhiệt tình của sinh viên, giảng viên… Qua đây, nhà trường mong muốn đào tạo thế hệ sinh viên có được nền tảng tri thức, đạo đức và ý thức trách nhiệm, là nguồn nhân lực văn hóa góp phần cùng TP.HCM xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cũng như những phần việc, lĩnh vực hoạt động khác.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn: