Đây là lần đầu tiên xuất hiện 2 củ sâm lớn như vậy, một củ sâm nặng tới 950gr, củ còn lại nặng 920gr. Hai năm trước, cả nước xôn xao khi xuất hiện một củ sâm Ngọc Linh khủng, nặng gần 800gr, được giao dịch với giá tiền tỷ ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam).
Giới chơi sâm, sưu tầm sâm quý Ngọc Linh đang xôn xao với thông tin hai củ sâm Ngọc Linh khổng lồ vừa về tay một nhà sưu tầm trẻ, có tên Trần Đức An (trú ở tỉnh Kon Tum).
Cách đây hai năm trước, cả nước cũng từng xôn xao khi xuất hiện một củ sâm Ngọc Linh khủng, nặng gần 800gr và được giao dịch với giá tiền tỷ ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Tuy nhiên, theo anh Trần Đức An, chủ sở hữu của hai củ sâm khủng anh vừa sưu tầm được thì với sự xuất hiện của cặp sâm này, thì củ sâm khủng 2 năm trước - như biểu tượng của loài sâm quý - có lẽ không còn ý nghĩa gì nữa mà phải nhường vị trí số một này cho cặp sâm của anh. Theo đó, cặp sâm của anh An một củ sâm nặng tới 950gr, củ còn lại nặng 920gr.
Nhà sưu tầm trẻ Trần Đức An với củ sâm quý nặng 950gr.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống gắn bó lâu đời với các cây thuốc quý nên dù đã là thạc sỹ kinh tế và có nhiều cơ hội lập nghiệp, nhưng chính vì niềm đam mê với sâm Ngọc Linh đã kéo anh Trần Đức An về với đam mê bảo tồn các vị thuốc quý. Anh hiện là Giám đốc điều hành của Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum - một trong những công ty đi đầu trong lĩnh vực khai thác và nhân giống bảo tồn Sâm Ngọc Linh.
Anh Trần Đức An cho biết, bản thân là một người rất yêu sâm Ngọc Linh, anh đã phải mất khá nhiều công sức, huy động nhiều mối quan hệ, mới sở hữu được hai củ sâm khổng lồ này. Theo đó, củ sâm có xuất xứ từ quả núi thuộc huyện Đak Cheung, tỉnh Sekong, thuộc nước Lào. Quả núi này thuộc dãy Ngọc Linh, cách biên giới tỉnh Kontum không xa.
Theo giới chơi sâm, cũng như các nhà nghiên cứu, loại sâm này dù sinh trưởng ở Quảng Nam, Kon Tum, hay bên Lào, nhưng nếu cùng ở dãy Ngọc Linh, thì giá trị tương đương nhau, vì dãy núi có cùng địa chất, khí hậu.
"Hiện tại, Công ty của tôi đã khai thác và nhân giống thành công được hơn 35ha sâm Ngọc Linh tại Kon Tum – thủ phủ của Sâm Việt Nam và tỷ lệ sống là hơn 90%, với giá trị ước tính lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng dù sở hữu nhiều vườn sâm quý ở dãy Ngọc Linh, và có cả kho rượu sâm quý, nhưng khi thấy hai củ sâm này, tôi nung nấu phải sở hữu bằng mọi giá, dù biết rằng, nó là cả gia tài” – anh Trần Đức An khẳng định.
Mặc dù không tiết lộ số tiền bỏ ra để sở hữu hai củ sâm này, nhưng theo đánh giá của giới chơi sâm, giá thị trường hiện tới cả tỷ đồng cho mỗi củ. Quan sát, cặp sâm đều rất đẹp, già, nhiều đốt, độ dài hơn 70cm nên tính cả giá trị sưu tầm nữa, thì rất khó định giá, bởi khó có thể tìm được củ sâm hoang dã nào to như vậy. Chỉ những người có rất nhiều tiền, hoặc có đam mê vô bờ bến với sâm quý, mới dám sở hữu chúng, bởi chúng thực sự là những báu vật vô giá.
Sâm Ngọc Linh là loại thảo dược quý hiếm của đất nước Việt Nam, là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Cây sâm Ngọc Linh được phát hiện ở độ cao từ 1.200m trở lên (có tài liệu cho biết cao độ tìm thấy sâm Ngọc Linh là khoảng 1.500m), đạt mật độ cao nhất ở khoảng từ 1.700-2.000m dưới tán rừng già, và cho tới nay chỉ có hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam là có cây sâm này. Sâm mọc tập trung dưới chân núi Ngọc Linh, một ngọn núi cao 2.578m với lớp đất vàng đỏ trên đá granit dày trên 50cm, có độ mùn cao, tơi xốp và rừng nguyên sinh còn rộng, nên được gọi là sâm Ngọc Linh.
Mọc dưới tán rừng ẩm, nhiều mùn, thích hợp với nhiệt độ ban ngày từ 20°C-25°C, ban đêm 15°C-18°C, sâm Ngọc Linh có thể sống rất lâu, thậm chí trên 100 năm, sinh trưởng khá chậm. Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là thân rễ, củ và ngoài ra cũng có thể dùng lá và rễ con.
Vào đầu tháng 1 hàng năm, sâm xuất hiện chồi mới sau mùa ngủ Đông, thân khí sinh lớn dần lên thành cây sâm trưởng thành có 1 tán hoa. Từ tháng 4 đến tháng 6, cây nở hoa và kết quả. Tháng 7 bắt đầu có quả chín và kéo dài đến tháng 9. Cuối tháng 10, phần thân khí sinh tàn lụi dần, lá rụng, để lại một vết sẹo ở đầu củ sâm và cây bắt đầu giai đoạn ngủ đông hết tháng 12. Chính căn cứ vào vết sẹo trên đầu củ mỗi mùa đông đến mà người ta có thể nhận biết cây sâm bao nhiêu tuổi, phải ít nhất 3 năm tuổi tức trên củ có một sẹo (sau 3 năm đầu sâm chỉ rụng một lá) mới có thể khai thác, khuyến cáo là trên 5 năm tuổi. Số tuổi càng cao giá trị của Sâm Ngọc Linh càng lớn. Mùa Đông cũng là mùa thu hoạch tốt nhất phần thân rễ của sâm.
Tuy cây sâm Ngọc Linh đã thoát nguy cơ tuyệt chủng nhưng độ an toàn còn thấp và mức độ đe dọa vẫn ở bậc E trong sách đỏ Việt Nam. Chính phủ và Bộ Y tế đang từng bước nghiên cứu giải pháp đầu tư phát triển bền vững cho công nghiệp dược phẩm và xuất khẩu với việc đưa sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng chính cho vùng cao, khai thác lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng để trồng sâm theo hướng sản xuất hàng hóa và tạo vùng nguyên liệu, hướng tới khẳng định một thương hiệu "sâm Việt Nam" [như "sâm Triều Tiên", "sâm Trung Quốc", "sâm Nhật Bản", "sâm Mỹ". |