CEO Tống Hoài Dân đã có những chia sẻ về kiến thức thực tế, phương pháp số hóa mô hình kinh doanh truyền thống của doanh nghiệp, mở ra cơ hội hội nhập cho startup.
Ông Tống Hoài Dân hiện là CEO và Founder FDS Soft, CEO và Co-Founder Công ty Công nghệ 365 FDS. Hơn 20 năm tư vấn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, ông từng tham gia tư vấn triển khai chuyển đổi số cho các tổ chức như: WHO, Roche, Novartis tại Thụy Sĩ, Tập đoàn Megafan tại Đức…
Trong chủ đề “Chuyển đổi số của doanh nghiệp trong thời đại 4.0 - Startup bắt nhịp chuyển đổi số”, ông Tống Hoài Dân cùng siêu mẫu Võ Hoàng Yến thảo luận về những kiến thức vô cùng thiết thực về chuyển chuyển đổi số, vạch ra lộ trình, cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt.
CEO Tống Hoài Dân và MC Võ Hoàng Yến
Chuyển đổi số là gì? Loại hình doanh nghiệp nào cần sớm chuyển đổi số?
Hiểu một cách đơn giản, chuyển đổi số là quá trình thay đổi từ mô hình hoạt động truyền thống sang doanh nghiệp số, công nghệ hóa cách thức làm việc, quản lý dữ liệu, văn hóa công ty… Không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí, quá trình này còn tạo sự khác biệt, nâng cao lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đặc biệt, những khu doanh nghiệp có số lượng công nhân viên lên đến hàng ngàn thì việc chuyển đổi số giúp nhà máy, xí nghiệp tự động hóa dây chuyền sản xuất. Điều các nhà lãnh đạo cần lưu ý là biết cách sử dụng công nghệ, dịch vụ sẵn có trên thị trường để dùng đó làm đòn bẩy đẩy nhanh quá trình ứng dụng, tối ưu vốn đầu tư.
Ví như lĩnh vực thời trang - chuyên môn của siêu mẫu Võ Hoàng Yến, ông Tống Hoài Dân chia sẻ có thể ứng dụng công nghệ 3D, thực tế ảo để người tiêu dùng hình dung được rõ đường nét thiết kế ở nhiều góc độ, hoặc tổ chức buổi biểu diễn với sự tham gia của thực tế ảo AR ngay trên sân khấu.
Người lao động cần chuẩn bị những gì trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0?
Trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc, AI là đề tài thu hút lượng quan tâm rất lớn vì có thể làm việc nhiều việc thay con người và trở thành mối lo ngại lớn đối với lao động phổ thông, công nhân nhà máy. Trả lời câu hỏi vô cùng thực tế của MC Võ Hoàng Yến về vấn đề này, ông Tống Hoài Dân khẳng định: “Trước mắt, AI là một công cụ trợ lý ảo cho con người, không dùng để thay thế chúng ta. Khi chúng ta phải lặp đi lặp lại những công việc nhàm chán, chẳng hạn như lắp ráp đơn giản, AI sẽ làm thay. Việc cần làm lúc này là tái đào tạo nguồn nhân lực, giúp họ có công việc khác tốt hơn. Họ có thể trở thành người dạy, kiểm tra, vận hành hệ thống AI đó”.
Ngoài ra, chuyên gia còn tiết lộ không phải máy móc mà con người mới là yếu tố then chốt trong công cuộc chuyển đổi số. Trong đó, quá trình này yêu cầu người lãnh đạo phải đủ bản lĩnh đương đầu với thử thách, dám thử điều mới và chấp nhận rủi ro để mang về lợi ích to lớn hơn cho tổ chức. Song song, đội ngũ trợ lý cũng phải có khuynh hướng sáng tạo sản phẩm mới, không đóng khung, gò ép trong mô hình cũ để chuyển đổi hóa đạt hiệu quả tốt nhất. Thế hệ trẻ cũng đòi hỏi phải đầu tư vào học vấn, tiếp thu những kiến thức, kỹ năng công nghệ, phần mềm để chuẩn bị sẵn sàng hòa nhập vào thế giới 4.0.
Cơ hội cho startup trong thời đại chuyển đổi số
Các doanh nghiệp đã và đang hoạt động nhất định sẽ phải “đau đầu” giải quyết bài toán tối ưu chi phí, thời gian chuyển đổi từ mô hình cũ sang mô hình số hóa. Nhưng với doanh nghiệp startup, việc xây dựng mọi thứ từ ban đầu là điều kiện thuận tiện để kinh doanh theo thời đại công nghệ. Tuy vậy, cũng chính lợi thế này mà các startup phải tư duy ở thời đại 4.0, liên tục nâng cao năng lực, tìm tòi, học hỏi và rèn ý chí mạnh mẽ để đối diện với thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Ông Tống Hoài Dân chỉ ra rằng: “Nên sáng tạo dịch vụ mà chưa ai làm, hãy lựa chọn và phát triển một ngách nhỏ thay vì tập trong vào thị trường quá bao quát vì bạn không thể đấu lại các “ông lớn”. Đối với ngành du lịch, bạn có thể khai thác về nét đặc trưng văn hóa, danh lam thắng cảnh ít người biết đến, tiếp thị online, liên kết mạng lưới khách sạn, tạo nên dịch vụ mới lạ”.
Vậy có lộ trình chuyển đổi số nào phù hợp dành cho các startup?
CEO Tống Hoài Dân chia sẻ lộ trình tiếp cận chuyển đổi số dành cho startup phân chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là chuẩn bị, thiết lập kế hoạch giải quyết vấn đề cốt lõi của một doanh nghiệp mới, bao gồm kinh doanh gì, vốn từ đâu và ai là người cộng sự. Khi đã sẵn sàng, chủ doanh nghiệp bắt đầu thực sự đưa chuyển đổi số vào ứng dụng để giảm chi phí vận hành ở giai đoạn thứ 2. Giai đoạn cuối cùng chính là bùng nổ doanh số, gặt “quả ngọt” sau hành trình triển khai số hóa mô hình kinh doanh. Tuy vậy, giai đoạn này sẽ phát sinh vấn đề khó rằng startup làm thế nào để trụ vững trên thị trường khi bị đối thủ cạnh tranh “dòm ngó”. Từ việc tham gia của nhiều đối tác, thị trường sẽ được mở rộng, startup học hỏi được nhiều hơn từ các “ông lớn”, kết bạn còn hơn thành thù.
“Chuyên gia nói (C-Talk)” sẽ tiếp tục chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh chuyên môn, thực tế được mài dũa nhiều năm của các CEO, Founder hàng đầu lĩnh vực. Chương trình phát sóng 22g30 thứ Năm hàng tuần trên HTV7.