Châu Âu một lần nữa đối mặt với khủng hoảng người di cư

VĂN PHÚC - KIM NGÂN - MAI LAN - TRỌNG AN - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 20/4/2024, 07:00

(HTV) - Dòng người khổng lồ đang tiếp tục di cư đến Châu Âu. Từ đầu năm 2024 đến nay, 46 ngàn người đã di cư đến Châu Âu và số đơn xin tị nạn kỷ lục là 1,14 triệu đơn trong năm 2023.

Tất cả khiến châu lục này đang phải đối mặt với nhiều thách thức và cần có giải pháp thống nhất.

Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), năm 2023 là năm nguy hiểm nhất đối với người di cư trong thập niên vừa qua khi có tới 8.541 người thiệt mạng, chủ yếu do số người chết đuối ở Địa Trung Hải tăng mạnh.

Bãi biển Senegal - nơi có nhiều người thiệt mạng trên thuyền di cư đến Châu Âu. Nguồn ảnh: AP

Khi xung đột ở Nga - Ucraina nổ ra vào đầu năm 2022, hàng triệu người Ucraina đã rời khỏi đất nước và đến tị nạn ở các nước láng giềng. Dựa trên dữ liệu từ các quốc gia, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn ước tính, đến ngày 14/3/2023 có hơn 8 triệu 113 ngàn người tị nạn Ucraina đi qua Châu Âu và gần 4 triệu 902 người đăng ký chương trình bảo vệ tạm thời tại Châu Âu.

Thuyền chở người di cư vượt eo biển Manche từ Pháp vào Anh. Nguồn ảnh: AFP

Theo Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo một số nước gặp khó khăn trong vấn đề quản lý người tị nạn và di cư. Nhiều người đã trở thành đối tượng của các hoạt động tội phạm và những kẻ buôn người.

Trong hơn một thập niên trở lại đây, vấn đề di cư đã trở thành ưu tiên hàng đầu của tất cả các chính sách an ninh Châu Âu, nhưng chưa được giải quyết do các quốc gia có cách nhìn khác nhau.

Người di cư được đưa đến cảng La Restinga, quần đảo Canary, Tây Ban Nha, sau khi được giải cứu trên biển. Nguồn ảnh: AFP

Cùng với đó, EU bị đánh giá là thiếu tầm nhìn xa và hành động vì mục tiêu bền vững, khi chỉ tập trung vào việc ngăn chặn người di cư, trong khi giải pháp căn cơ là tái định cư người di cư hầu như bị bỏ ngỏ.

Nghị viện Châu Âu thông qua điều luật cải cách chính sách di cư. Nguồn ảnh: AP

Ngày 10/4, Nghị viện Châu Âu đã thông qua 10 điều luật nhằm cải cách chính sách di cư và tị nạn của Liên minh Châu Âu, như đã thỏa thuận với các quốc gia thành viên vào tháng 12/2023. Tuy nhiên, việc thực hiện Hiệp ước mới sẽ đặt ra nhiều thách thức không nhỏ trong thời gian tới.

Các nước Châu Âu đã phải mất gần 9 năm, 2 nhiệm kỳ Nghị viện kể từ sau cuộc khủng hoảng tị nạn vào năm 2015, mới có thể đi đến một thỏa thuận về di cư và tị nạn. Đây là vấn đề rất nhạy cảm.

Tiêu chí trọng tâm của Hiệp ước mới vừa được thông qua là “đoàn kết và trách nhiệm". Di cư là một thách thức của Châu Âu cần phải giải quyết bằng một giải pháp mang tính toàn diện Châu Âu, một giải pháp hiệu quả, vừa công bằng vừa chắc chắn.

Châu Âu thống nhất luật tị nạn - Bảo vệ biên giới

Hiệp ước mới về tị nạn và di trú của Châu Âu đã được thông qua với đa số phiếu sau khi nhận được sự ủng hộ từ 3 liên đảng lớn nhất trong Nghị viện Châu Âu là đảng Nhân dân Châu Âu (EPP), đảng Xã hội và Dân chủ Châu Âu (S&D) và đảng Đổi mới Châu Âu (Renew Europe).

Về lý thuyết, với hiệp ước mới, EU giờ đây sẽ phân bổ gánh nặng người nhập cư cho 27 quốc gia thành viên, buộc các quốc gia thành viên khác phải có nghĩa vụ giúp đỡ những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất từ làn sóng di cư.

Những người di cư ngồi trên tàu đánh cá ở cảng Paleochora, sau chiến dịch giải cứu ngoài khơi đảo Crete, Hy Lạp. Nguồn ảnh: Reuters

Hiệp ước đưa ra những quy tắc thuận lợi cho nhập cư hợp pháp, dùng nhập cư hợp pháp để chống lại nạn đưa người. Tuy nhiên, các quy định mới sẽ bắt đầu được áp dụng từ năm 2026, sau khi uỷ ban Châu Âu đặt ra cách thức thực hiện hiệp ước trong những tháng tới.

Người ta vẫn cần chờ xem, liệu EU có thể cùng nhau vượt qua thách thức chung, chủ động quyết định ai sẽ đến EU và trong hoàn cảnh nào, đồng thời bảo đảm việc quản lý biên giới và các quyền cơ bản của người di cư hay không.

Quy tắc của Châu Âu hiện nay là người nhập cư tới nước nào đầu tiên, thì nước đó có trách nhiệm xem xét đơn xin tị nạn. Cơ chế mới tập trung vào phân loại tại biên giới và liên thông dữ liệu.

Luật tị nạn mới EU: Giải pháp cho vấn đề di cư hay gánh nặng cho các nước thành viên?

Tuy không tạo ra khủng hoảng như hồi năm 2015 nhưng dòng người di cư từ Châu Á và Châu Phi vẫn ồ ạt hướng tới Châu Âu. Trong năm 2023, 1,14 triệu người đã tới Liên minh Châu Âu xin tị nạn, cộng với khoảng từ 238.000 đến 380.000 người nhập cư trái phép nhưng không ra trình diện.

Người di cư được tổ chức phi chính phủ Tây Ban Nha cứu ngoài khơi Libya Địa Trung Hải. Nguồn ảnh: AFP

Được Ủy ban Châu Âu (EC) giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 9/2020, Hiệp ước mới về tị nạn và di cư dài hàng trăm trang và liên quan đến vô số vấn đề phức tạp, chẳng hạn như các quyền cơ bản, vấn đề trẻ vị thành niên không có người đi cùng, quyền riêng tư về dữ liệu, đóng góp tài chính, thời gian giam giữ và an ninh quốc gia, khiến quá trình lập pháp bị kéo dài trong nhiều năm.

Đề xuất đầy tham vọng của Ủy ban Châu Âu đã trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí có những giai đoạn bế tắc tưởng chừng không thể đến được vạch đích. Nhưng hy vọng đã nhen nhóm trở lại sau khi vấn đề di cư lại được đưa lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự của Liên minh Châu Âu, dẫn đến một thỏa thuận tạm thời vào tháng 12/2023 giữa Nghị Viện Châu Âu và Hội đồng Châu Âu nhất trí về hiệp ước mới. Tuy nhiên, thỏa thuận mang tính đột phá này vẫn cần được mỗi cơ quan thông qua lần cuối cùng trước khi được ký ban hành thành luật.

Ý kiến của bạn: