"Thế hệ trẻ phải được rèn luyện, đào luyện trong thực tiễn mới bền chặt, để không bị 'chín ép'", chuyên gia Nguyễn Đức Hà (nguyên vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức trung ương) đã nói như vậy tại hội thảo diễn ra chiều 18/5.
ều 18/5 tại Hà Nội, hội thảo khoa học quốc gia "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh" với sự tham gia của đông đảo nhà khoa học, chuyên gia, trí thức trẻ, thanh niên cả nước đã chính thức khai mạc.
Chương trình do Ban Tuyên giáo trung ương, Trung ương Đoàn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đồng tổ chức, nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác.
"Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết" (trích Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Ngay sau "chỉnh đốn Đảng" là nói về thanh niên
Tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng (Ban Tổ chức trung ương) khẳng định việc xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ "vừa hồng vừa chuyên", đúng như cụm từ mà Bác dùng trong Di chúc năm 1969 của Đoàn hôm nay rất có ý nghĩa.
Nhấn mạnh Di chúc là một trong 5 "báu vật" quốc gia của Bác để lại, là "di sản to lớn" Bác để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, ông Hà phân tích: trong Di chúc, Bác căn dặn Đảng ta rất nhiều điều mà việc đầu tiên là "chỉnh đốn Đảng".
"Có lẽ Bác sợ sau khi chúng ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thì "say sưa trên chiến thắng", Bác dặn chỉnh đốn Đảng ngay. Kế theo đó, Bác nói đến thanh niên", ông Hà nói.
Theo chuyên gia Nguyễn Đức Hà, "hồng" là nói về đức, "chuyên" nói về tài. Trong bối cảnh hiện nay, thanh niên phải làm thế nào để "hồng" phải "hồng thắm", chuyên là "chuyên sâu".
Vậy thực hiện Di chúc của Bác thế nào? Theo chuyên gia, Đảng ta luôn quan tâm đến cán bộ trẻ và nhấn mạnh "xây dựng Đoàn vững mạnh là xây dựng Đảng trước một bước". Trung ương cũng chỉ rõ, một trong những yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ là khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, có trình độ khoa học kỹ thuật, khả năng làm việc nhóm…
"Những tiêu chí đó thì lực lượng cán bộ trẻ có điều kiện tiếp cận nhanh", ông Hà nói. Bên cạnh đó, phải chú trọng trong chuyển giao giữa các thế hệ cán bộ nhanh hơn, mạnh hơn, nhiều hơn.
Chỉ ra thực trạng vui mừng nhiều cán bộ trưởng thành từ tổ chức Đoàn giữ vai trò chủ chốt trong Đảng, Nhà nước, nhưng cũng đau lòng có một số cán bộ Đoàn "chín ép". Chuyên gia Nguyễn Đức Hà chỉ ra trách nhiệm đặt ra là hết sức chăm lo, bồi dưỡng, xây dựng lập trường cho cán bộ trẻ.
"Thế hệ trẻ phải được rèn luyện, đào luyện trong thực tiễn mới bền chặt, để không bị "chín ép". Bên cạnh đó, sự chuyển giao của thế hệ cán bộ liên tục,không được bị động, không được đứt đoạn, không được quay ngang", ông Hà nói.
Học Bác là nhu cầu tự thân
Anh Bùi Quang Huy, bí thư Trung ương Đoàn, nhấn mạnh: Đoàn luôn xác định nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt là giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên Việt Nam rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.
"Học tập và làm theo lời Bác đã trở thành nhu cầu tự thân, là việc làm quan trọng trong hành trình trưởng thành của các thế hệ thanh niên Việt Nam, góp phần xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước; có đạo đức, lối sống văn hóa, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, chủ động hội nhập, yêu chuộng hòa bình; có trí thức, sức khỏe, hoài bão, khát vọng vươn lên…", anh Huy nhấn mạnh.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, phó cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị Bộ Công an cho rằng: Cán bộ và công tác cán bộ luôn là nhân tố đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Bộ Công an chỉ đạo cấp ủy, lãnh đạo chỉ huy các cấp, đặc biệt tổ chức Đoàn trong lực lượng công an nhân dân đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên thanh niên về nội dung, giá trị cốt lõi của Di chúc của Bác.
Góp ý tại hội thảo, TS Phạm Thị Hằng, Viện Nghiên cứu thanh niên thanh niên, đề xuất phải xây dựng lớp thanh niên "biết bàn, biết làm", và Đoàn phải tạo điều kiện cho thanh niên "được bàn, được làm".
Bên cạnh đó, cán bộ Đoàn phải vận các giác quan làm việc như Bác dặn "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm", đi đầu nắm bắt được cái mới, chủ động định hướng thanh niên, có tác phong khoa học, không "dốt", không rập khuôn giấy tờ trong việc chỉ đạo, định hướng thanh niên.
Mở mắt ra, thanh niên phải thấy cái tốt
Đại biểu Phan Hồ Giang, phó bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai, chia sẻ thanh niên hiện nay sử dụng mạng xã hội thường xuyên trước sự bùng nổ cuộc cuộc cách mạng 4.0, nhưng thực tế có một số cán bộ Đoàn, thanh niên cũng chia sẻ "thông tin xấu".
Đơn cử, một vụ giết người được thanh niên chia sẻ tràn lan trên mạng. Đại biểu cho rằng, cán bộ Đoàn phải đi đầu, tăng cường chia sẻ tin tốt trên mạng xã hội, nếu cán bộ chia sẻ tin xấu cần có "chế tài" để "mở mắt ra, thanh niên phải thấy tin tốt".
Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, đoàn viên, thanh niên cùng tham gia ba phiên thảo luận chuyên đề: "Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh"; "Phong trào hành động cách mạng - môi trường thực tiễn sinh động để đào tạo, bồi dưỡng thanh niên theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh"; "Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ "vừa hồng, vừa chuyên" và việc rèn luyện lề lối, tác phong cán bộ Đoàn theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".