Ngoài việc kinh doanh chuyên cung cấp đồ lễ cưới hỏi, giỗ chạp, các gian hàng tại đường Lê Quang Sung, Quận 6, TP.HCM còn bán lẻ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, thờ cúng của người dân.
"Phố cưới hỏi - trầu cau Chợ Lớn" điểm tập trung kinh doanh trầu cau hơn nửa thế kỷ của Thành phố
Nhờ đặc thù là điểm tập trung kinh doanh trầu cau phục vụ nhu cầu cưới hỏi, giỗ chạp, lễ chùa của người dân Thành phố hơn nửa thế kỷ qua, "Phố cưới hỏi - trầu cau Chợ Lớn" với khoảng 16 quầy hàng vừa chính thức được thành lập hôm 29/6 tại đường Lê Quang Sung (Quận 6, TP.HCM).
Trầu cau được các tiểu thương trưng bày bắt mắt trên từng quầy hàng
Ngay từ khi được thành lập, những gánh trầu cau đơn sơ trên vỉa hè của các tiểu thương được đầu tư hơn thành từng quầy hàng khang trang. Tại đây, các tiểu thương trưng bày chủ đạo một số sản phẩm làm từ lá trầu, quả cau, trang trí bắt mắt. Đa phần trầu cau được nhập trực tiếp từ Hóc Môn (TP.HCM) hoặc một số tỉnh lân cận như Bến Tre, Quảng Ngãi,...
Không chỉ để mưu sinh, bán trầu cau còn là để lưu giữ ký ức về một thời hoàng kim
Trải qua nhiều thời gian, hầu hết tiểu thương còn bám trụ với công việc này là phụ nữ lớn tuổi. Người ít tuổi nhất cũng trên 50 và người lớn nhất cũng đã ngoài 80. Bà Nguyễn Thị Hoa (70 tuổi) chia sẻ: "Tôi bán trầu cau tại đây từ năm 1968. Trải qua hơn 50 năm với nhiều vui buồn, nghề này đã gắn trọn cuộc đời tôi. Khi nào còn đi lại được, tôi vẫn bán trầu. Bán để kiếm sống, để mưu sinh, để lưu giữ ký ức về một thời hoàng kim, để giữ cái truyền thống, văn hóa của ông bà để lại”.
Buồng cau cưới được tiểu thương trang trí tỉ mỉ bằng chữ "hỷ"
Bà Trang ngồi tỉ mỉ dán từng chữ "hỷ" để trang trí buồng cau cưới. "Từ ngày có tuyến phố này, không chỉ có khách mối quen mà còn có nhiều khách lạ, khách nước ngoài đến xem và mua trầu cau. Hy vọng thời gian tới, tuyến phố này sẽ nhộn nhịp, đông vui hơn". Cũng theo bà Trang, khoảng 10 năm trở lại đây, con đường trầu cau này ngày càng vắng người mua. Ngày thường lác đác vài người đến hỏi. Có người mỗi ngày chỉ bán được vài ký. Có người thậm chí còn không lời được đồng nào, mất công bày hàng ra rồi lại dọn về.
Hình ảnh trầu cau gắn liền với bao thế hệ gia đình tiểu thương
Bà Lệ Hoa (chủ sạp) cho biết, hiện tại cả gia đình 3 thế hệ nhà bà đều giữ nghề bán trầu cau, làm lễ vật cho đám cưới, bao gồm: Cau trầu, chè rượu, trái cây, bánh phu thê. "Gia đình tôi mỗi người phụ trách một công đoạn riêng biệt", bà nói.
Các gói lễ đa dạng về màu sắc và mẫu mã cho khách hàng lựa chọn
Các gói lễ vật đầy đủ của bà có giá dao động từ 2 - 3 triệu đồng với nhiều mô hình bánh cưới hỏi đa sắc màu, kiểu dáng mẫu mã.
Người bán luôn sẵn lòng tem trầu đáp ứng nhu cầu của khách hàng
Ngoài việc kinh doanh chuyên cung cấp đồ lễ cưới hỏi, giỗ chạp, các gian hàng tại đây còn bán lẻ cho khách nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, thờ cúng. Trái câu được bán lẻ 30 quả có giá 100.000 đồng. Người bán luôn sẵn lòng tem trầu câu cho khách.
"Phố cưới hỏi - trầu cau Chợ Lớn" Quận 6 góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống
Cùng với "Phố cưới hỏi - trầu cau Chợ Lớn", Quận 6 còn có các tuyến phố chuyên doanh khác như phố mua sắm Hậu Giang, phố hoa vải Chợ Lớn, phố phụ kiện Nguyễn Hữu Thận nằm liền kề. Qua đó không chỉ góp phần làm phong phú thêm các hoạt động kinh doanh, du lịch mà còn bổ sung lợi thế kinh tế của cụm trung tâm thương mại dịch vụ Bình Tây, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.
Nguồn: Vietnamnet