(HTV) - Sáng nay 15/7, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM tổ chức Hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM chủ trì Hội nghị. Đến dự Hội nghị còn có đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, TP.HCM đã đi qua nửa đoạn đường của Đại hội XI trong bối cảnh có nhiều tác động phức tạp, đại dịch COVID-19 gây hậu quả chưa từng có tiền lệ. Với những khó khăn, vướng mắc, tồn tại bên trong của Thành phố đã tạo ra một thử thách quá lớn, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua được.
Dù vậy, TP.HCM đã vượt qua đại dịch và qua đó nhìn thấy rõ nguồn lực nội sinh, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, truyền thống nhân nghĩa. Quan trọng hơn đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương, sự chi viện của các địa phương, của đồng bào cả nước, bạn bè quốc tế, "cả nước vì Thành phố".
Vì thế, đồng chí Nguyễn Văn Nên đã đề nghị Hội nghị xem xét còn nguyên nhân nào nữa cần đánh giá sâu sắc và toàn diện để có bài học kinh nghiệm quý giá trong thời gian tới.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên
Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị Hội nghị tập trung đánh giá các kết quả thực hiện về các lĩnh vực kinh tế; văn hóa; quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phòng chống "diễn biến hòa bình", các loại tội phạm xuyên quốc gia và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch,...
Kinh tế TP.HCM có lúc đạt được tăng trưởng 2 con số, cao gấp 1,5 - 1,6 lần so với bình quân chung của cả nước nhưng đã suy giảm dần trong 10 năm qua và chạm đáy trong Quý I năm 2023.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Thành phố đánh giá thời điểm Quý I năm 2023 là thời điểm bộc lộ rõ nhất những tồn tại, tích tụ qua nhiều năm do cơ chế kinh tế Thành phố chậm được tái cơ cấu, do thể chế quản lý đô thị còn bất cập. Đồng chí cũng cho rằng, đây là vấn đề cần phải hết sức tập trung, phân tích làm rõ và có giải pháp trong thời gian tới, đồng thời nhấn mạnh đến việc phải đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế Thành phố, tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý đô thị, đặc biệt đối với thành phố có quy mô dân số trên 10 triệu dân.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị
Bên cạnh đó, việc chậm đầu tư triển khai các công trình, dự án đồng bộ để hỗ trợ cho chuyển dịch tái cơ cấu kinh tế cũng như tạo không gian phát triển cho Thành phố cũng là một trong những nguyên nhân tác động tiêu cực đến việc thực hiện mục tiêu về kinh tế - xã hội trong nửa nhiệm kỳ qua.
Tuy nhiên, theo dự báo, những tiền đề mà Thành phố tạo ra từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, từ các nghị quyết của Đảng, các cơ chế, chính sách của các cơ quan Trung ương đến các nỗ lực của Thành phố đều sẽ phục hồi trở lại và Thành phố sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn. Các chuyên gia cho rằng kinh tế TP.HCM đang phục hồi và sẽ tái lập đỉnh tăng trưởng vào khoảng năm 2025 - 2026.
Đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh, với tâm thế hành động, TP.HCM triển khai Đề án xây dựng nền công vụ ưu tú nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, sự năng động sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức; gắn triển khai có hiệu quả kế hoạch thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất khung pháp lý phù hợp cho mô hình chính quyền đô thị TP.HCM.
UBND TP.HCM đang rà soát và bổ sung giải pháp để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết đại hội, nhất là các chỉ tiêu khó đạt, gắn triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 và kế hoạch thi đua đặc biệt chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9