JICA hỗ trợ Việt Nam trong phòng chống mua bán người

Sỹ Thành 14/12/2018, 15:38

Sáng nay 14/2, cuộc họp khởi động Dự án “Tăng cường hoạt động đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” (Giai đoạn II) đã được tổ chức tại Hà Nội.

Đây là Dự án Hợp tác Kỹ thuật được thực hiện bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB & XH).

Tham dự cuộc họp có bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB & XH, ông Ryutaro Kobayashi, Phó Trưởng Đại diện JICA Việt Nam, đại diện các bộ ngành liên quan, các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các tổ chức của Liên Hiệp Quốc và nhân viên của các Tổng đài thuộc Đường dây nóng.

Kế thừa và tiếp nối Giai đoạn I của Dự án “Thành lập đường dây nóng về phòng chống mua bán người” (2012-2016) trên cơ sở đường dây nóng hỗ trợ trẻ em tại Hà Nội, An Giang và Hà Giang, tăng cường thêm chức năng cung cấp thông tin về phòng chống mua bán người. Giai đoạn II của Dự án (từ tháng 11/ 2018 đến tháng 11/2021), tổng đài kết nối tại An Giang sẽ được nâng cấp thành tổng đài khu vực miền Nam, cùng với tổng đài mới đặt tại Đà Nẵng cho khu vực miền Trung, được kết nối với tổng đài quốc gia tại Hà Nội. Việc thiết lập tổng đài chia theo khu vực miền Nam, miền Trung và miền Bắc được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao chất lượng tư vấn và cung cấp thông tin liên quan tới mua bán người, đặc biệt là tăng cường hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân bị mua bán trở về.

Cụ thể, trong giai đoạn II của Dự án, JICA sẽ hỗ trợ các trang thiết bị cần thiết cho các tổng đài, nâng cao năng lực cho các tư vấn viên và đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành giữa các tổng đài của Đường dây nóng, Bộ LĐ-TB&XH, cơ quan Công an, Hội Liên hiệp Phụ nữ trong việc hỗ trợ các nạn nhân và tăng cường hoạt động quảng bá cho số điện thoại mới của đường dây nóng là 111. Từ tháng 12 năm 2017, số điện thoại mới 111 đã được kích hoạt song song với số điện thoại hiện thời 18001567, hoạt động miễn phí 24 giờ / 7 ngày. Ngoài ra, các nhân viên tư vấn tại các tổng đài - với chuyên môn về công tác xã hội hoặc tâm lý, sẽ thuộc biên chế quản lý và được đào tạo bởi Bộ LĐ-TB & XH. Điều này giúp bảo đảm nhân viên tư vấn  được đào tạo trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong công tác tư vấn hỗ trợ nạn nhân. 

Từ tháng 10 năm 2013, khi Đường dây nóng chống mua bán người đi vào hoạt động, đến cuối tháng 11 năm nay, Đường dây nóng đã nhận được tổng cộng 13.627 cuộc gọi liên quan tới mua bán người. Theo phân tích mới nhất, 17% cuộc gọi đến từ người thân và bạn bè của nạn nhân và 4,32 % đến từ chính các nạn nhân.

Trong năm 2018, các cuộc gọi có tính chất chuyển tuyến lên tới 25 trường hợp, trong đó 16 trường hợp được chuyển tới cơ quan Công an và tổ chức phi chính phủ để giải cứu và điều tra, 5 trường hợp về tìm kiếm người mất tích và 4 trường hợp từ nạn nhân của mua bán người đã trở về.

Tác động xã hội của dự án được đánh giá là vô cùng quan trọng vì thông qua đường dây nóng, các thông tin  liên quan về mua bán người được chia sẻ kịp thời tới các bên liên quan, đặc biệt, những trường hợp nghi ngờ được chuyển sang Cơ quan Công an để điều tra, đồng thời kết nối giữa những cơ quan chức năng nhằm hỗ trợ các nạn nhân đã trở về.
Ý kiến của bạn: