(HTV) - Nhằm giúp mỗi địa phương nói riêng và cả nước nói chung đạt được mục tiêu phát triển kinh tế, việc tìm kiếm không gian phát triển ở cấp vùng, cụm vùng và tiểu vùng càng có vai trò quan trọng.
"Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương" do Tạp chí Kinh Doanh tổ chức tại TP. Hà Nội, ngày 3/8
Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thì việc tìm kiếm không gian phát triển ở cấp vùng, cụm vùng và tiểu vùng càng có vai trò quan trọng, nhằm giúp mỗi địa phương nói riêng và cả nước nói chung đạt được mục tiêu phát triển kinh tế sắp tới.
Trong thời gian qua, liên kết vùng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhìn từ góc độ thị trường trong nước, các cơ chế chính sách về liên kết vùng đã góp phần đẩy mạnh kết nối cung cầu, không chỉ giúp doanh nghiệp, Hợp tác xã nắm bắt thị trường mà còn đưa sản phẩm thế mạnh địa phương tới hệ thống phân phối.
Ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc Miền cấp cao Winmart cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức các tuần hàng các thương hiệu trái cây của các địa phương tới các siêu thị lớn. thông qua các hoạt động này chúng tôi có thể cung cấp được cho các nhà cung cấp tín hiệu thị trường, tìm kiếm đơn vị có năng lực đưa vào hệ thống siêu thị, đưa ra hướng dẫn để làm thế nào để có thể đưa được đặc sản địa phương vào các siêu thị, dự báo sản lượng để nhà cung cấp chủ động hơn trong kế hoạch của mình”.
Ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc Miền cấp cao Winmart
Bà Trần Thị Thu Hằng - Tổng giám đốc Công ty CP XNK nông sản thực phẩm Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi được giao nhiệm vụ là xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm của bà con bao tiêu sản phẩm thì phát hiện nhiều điểm bất cập, như nguyên liệu của nhiều vùng miền tốt nhưng quá trình làm thì bà con, hợp tác xã không nắm bắt đc thông tin nên vẫn còn làm truyền thống nhỏ lẻ manh mún, tính cạnh tranh kém. Trong quá trình làm chúng tôi tư vấn cho bà con thay đổi cách làm, nâng cao sức cạnh tranh chứ k chỉ là bao tiêu sản phẩm đơn thuần”.
Năm 2022, lần đầu tiên, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng bước đầu phát huy được hiệu lực và hiệu quả. Tuy nhiên, các vùng trên cả nước nói chung vẫn còn thiếu các cơ chế, chính sách phát triển; sự liên kết giữa các địa phương trong vùng còn mang tính đơn lẻ, chưa khai thác phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.
Thảo luận tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải bứt phá khỏi cách làm cũ, nhất là cần có sự kết nối hợp lý, phân bổ thực hiện đồng bộ giữa các địa phương, tạo ra lợi ích cho chính địa phương và cho cả vùng nói chung.
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn: “Liên kết vùng không chỉ đơn thuần là đầu tư mà cần có một nhạc trưởng đứng đầu trong việc đầu tư. Còn với chúng tôi, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp thì việc đầu tiên trong liên kết vùng đó là cùng khai thác các nguồn lợi, hài hòa lợi ích giữa các bên”.
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn
Theo các đại biểu, đẩy mạnh liên kết vùng cần hình thành được một hệ thống trung tâm logistics cơ bản hoàn chỉnh, có tính liên kết cao, trong đó, ưu tiên xây dựng một số trung tâm logistics lớn ở các vùng kinh tế trọng điểm để làm động lực cho các chuỗi cung ứng của Việt Nam. Đồng thời, địa phương cũng cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản để tăng cường kết nối giữa vùng sản xuất và thị trường tiêu thụ.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9