(HTV) - Mới đây, Bộ Tài Nguyên Môi trường đã ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt sẽ chia làm 3 loại: Chất thải có khả năng tái chế, chất thải thực phẩm, chất thải rắn sinh hoạt khác.
Với các đất nước đang phát triển nói chung và với Việt Nam nói riêng, vấn đề về môi trường sống trước những tác động từ sự gia tăng dân số và sự phát triển kinh tế luôn được quan tâm hàng đầu. Đặc biệt là tại các khu đô thị lớn, nơi mà mật độ dân cư đông đúc, các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như lượng hàng hóa tiêu dùng đều lên đến những con số khổng lồ thì vấn đề môi trường sống cần được bảo vệ ra sao càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Rác thải sinh hoạt là lượng chất thải sinh ra từ các hoạt động sinh hoạt của con người tại các khu dân cư, khu trung tâm thương mại, các siêu thị, khu công sở, doanh trại, trường học,… Và rác thải sinh hoạt nếu không được xử lý bằng một chu trình khoa học đòi hỏi trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình trong cộng đồng chắc chắn sẽ gây ra nhiều hệ lụy đến môi trường sống của chúng ta.
Cách phân loại chất thải rắn sinh hoạt
Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng, gây áp lực rất lớn đến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý. Hầu hết chi phí cho việc xử lý rác đều do ngân sách nhà nước chi trả, do đó việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý chất thải, bảo vệ môi trường.
Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn làm:
- Giảm lượng rác thải ra môi trường - tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý;
- Giảm lượng rác chôn lấp - tiết kiệm tài nguyên đất; giảm ô nhiễm môi trường;
- Tăng lượng rác tái chế, tái sử dụng - tận dụng, tiết kiệm tài nguyên; mang lợi ích kinh tế cho gia đình; gây quỹ cho hoạt động cộng đồng;
- Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên;
- Là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với xã hội.
Theo điều 75 Luật bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH. Đồng thời, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc không thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 55/2021/NĐ-CP. Theo đó, phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ CTRSH theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao CTRSH cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9