Sau khi nhận được khoản tiền đầu tư từ các quỹ, Popsical cho biết Việt Nam, Indonesia và Philippines là 3 thị trường ưu tiên thời gian tới.
Mới đây, startup karaoke thế hệ mới Popsical vừa thông báo huy động thành công khoản vốn gần 5 triệu USD, dẫn đầu bởi quỹ đầu tư Quest Ventures. Các nhà đầu tư khác bao gồm Seeds Capital, Apricot Capital, Teo Heng KTV, Cash Studios KTV, OMG Ventures, Mediacorp…
Đại diện startup cho biết, số vốn mới sẽ dùng để đầu tư phát triển công nghệ, tuyển dụng, phát triển lộ trình cho các sản phẩm và dịch vụ, đồng thời mở rộng thị trường tại Đông Nam Á, trước mắt là Indonesia, Việt Nam và Philippines.
“Karaoke truyền thống đã lỗi thời”, Fopsq Marican – Đồng sáng lập và giám đốc điều hành Popsical nói. Vị này cho rằng các hệ thống truyền thống hiện nay tốn kém, thiết kế nghèo nàn và không chú trọng tới trải nghiệm người dùng. Cũng theo đại diện Popsical, thị trường karaoke dự kiến sẽ tăng gần 3% mỗi năm, đạt 5,7 tỷ USD vào năm 2024.
Thành lập vào năm 2016, Popsical đem đến trải nghiệm karaoke mới, mượt mà và tiện lợi hơn cho người dùng. Với hệ thống Popsical Remix trên nền tảng đám mây, Popsical cung cấp thư viện tự cập nhật với hơn 200.000 bài hát karaoke bằng 14 ngôn ngữ. Điều đặc biệt, bộ trộn âm thanh là 1 thiết bị gọn cỡ lòng bàn tay, khác với dàn karaoke truyền thống cồng kềnh khác. Hệ thống này được kết nối với micro không dây.
Popsical mixer kết nối dữ liệu đám mây thông qua Wifi hoặc mạng LAN để phát trực tuyến các bài hát, cũng như để người dùng cập nhật danh sách phát. Để kết nối với Tivi, thiết bị chỉ cần dùng cáp HDMI. Người dùng chỉ cần tải ứng dụng về smartphone – cũng chính là điều khiển để tùy chỉnh âm thanh.
Đến nay, startup đã bán hơn 12.000 hệ thống Remix, với chi phí là 358 USD mỗi bộ, đăng ký cho 24 giờ có giá 3,6 USD, phí hàng tháng là 7,8 USD. Người dùng có 1 tháng dùng thử miễn phí.
Đại diện startup karaoke cho biết, thách thức của họ đến từ tối ưu trải nghiệm, bao gồm việc phát triển phần mềm, thu thập nội dung và kết hợp giữa thiết kế và sản xuất phần cứng – phần khó nhất của quy trình.
Về mục tiêu, người đứng đầu startup cho biết sẽ hoàn thiện sản phẩm để phù hợp với thị trường khác nhau. Theo đó, các thị trường mở rộng sắp tới nằm trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Việt Nam và Philippines.