(HTV) - . Phầm mềm được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ mục tiêu chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030 theo Đề án 06 của Chính phủ.
Nhằm tạo sự thuận tiện trong quản lý các dịch vụ kinh doanh, giảm thời gian nhập liệu và cập nhật thông tin đăng ký lưu trú tại các cơ sở khám chữa bệnh và khách sạn, sáng 7/4, tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội C06 - Bộ Công an phối hợp với Công an TP.HCM đã triển khai thí điểm phần mềm thông báo lưu trú ASM.
Toàn cảnh buổi triển khai thí điểm phần mềm thông báo lưu trú ASM tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Trước mắt phần mềm ASM sẽ được triển khai thí điểm trong 30 ngày, từ 7/4 đến 7/5 tại 5 đơn vị là: Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn, Bệnh viện Quận 4, Khách sạn BROS, Khách sạn Subrise Boutique. Không chỉ tạo thuận tiện cho cơ sở, phầm mềm còn tạo sự thuận tiện cho người dân trong thực hiện thủ tục.
Khi đến khám bệnh chỉ cần đưa căn cước công dân là có thể biết được thông tin địa chỉ bảo hiểm, rất tiện, chị Trần Hiếu ngụ tại Quận 1, TP.HCM kể lại.
Chị Nguyễn Thị Lan Minh - Điều dưỡng Trưởng, Khoa Cấp cứu, Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương, Quận 5, TP.HCM: "Trước đây chưa sử dụng phần mềm này thì mình không quẹt mà chỉ đăng nhập thông tin vào bệnh viện làm hồ sơ bình thường, bệnh viện chỉ quản lý trong giới hạn bệnh nhân đang nằm ở đây thôi, bây giờ nhập lên phần mềm này thì hình như công an định danh được luôn người kia đang ở đâu".
Chị Nguyễn Thị Lan Minh - Điều dưỡng Trưởng, Khoa Cấp cứu, Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương, Quận 5, TP.HCM
Bác sĩ CK II Võ Đức Chiến - Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Quận 5, TP.HCM chia sẻ cùng phóng viên HTV: "Trước đây các đơn vị y tế gặp trở ngại là bệnh nhân không có thông tin rõ ràng, còn bây giờ nếu chúng ta quản lý tốt việc này qua phần mềm thì sẽ có thông tin đầy đủ và chính xác, điều này là cơ sở để xây dựng dữ liệu về y tế trong công nghệ số, sau đó các mã nguồn còn giúp tương tác liên quan đến quản lý dịch bệnh, chích ngừa, phòng ngừa rất thuận lợi và quan trọng nhất là trong môi trường y tế chúng ta biết được người đến làm việc với chúng ta là ai, và định danh được họ, điều đó rất cần thiết".
Bác sĩ CK II Võ Đức Chiến - Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Quận 5, TP.HCM
Theo Thượng tá Hồ Thị Lãnh - Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội, Công An TP.HCM cho biết: "Thực hiện phần mềm ASM kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do đó thông tin về lưu trú sẽ được cập nhập thường xuyên đồng bộ và bảo mật. Ban chỉ đạo đề án 06 của quận huyện sẽ tiến hành hướng dẫn các thao tác về nghiệp vụ và công tác đảm bảo an ninh an toàn thông tin khi thực hiện việc này, nhằm mục đích cao nhất là phục vụ người dân và doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố, sau thời gian thí điểm 30 ngày, công an TP sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và bổ sung những tính năng ưu việt hơn, tiện ích hơn để giúp cho việc triển khai ASM trên địa bàn TP sau khi nhân rộng sẽ đạt hiệu quả cao nhất".
Theo Thượng tá Hồ Thị Lãnh - Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội, Công An TP.HCM
Phần mềm lưu trú ASM có 4 chức năng chính là: Quản lý cơ sở lưu trú, quản lý khách lưu trú tại cơ sở, quản lý các dịch vụ cung cấp và quản lý nhân viên thông qua quy trình từ khi tiếp nhận khách lưu trú tới khi trả phòng. Việc tiếp nhận thông tin khách lưu trú đã được tích hợp cùng chức năng quét mã QR trên thẻ CCCD giúp việc tiếp nhận được nhanh chóng, thuận tiện nhất.