(HTV) - Nhiều chuyên gia cho rằng, ngay cả khi chết, con người vẫn có thể chọn từ biệt cuộc sống theo cách thân thiện với môi trường hơn. Vì thế mà các xu hướng an táng xanh đang ngày một phổ biến.
Thách thức về môi trường là vấn đề quốc gia nào cũng đang phải đối mặt. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, khoảng 60% người lớn tuổi trên thế giới hiện sống ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đến năm 2050, hơn 10% dân số này sẽ trên 80 tuổi, tập trung nhiều nhất ở Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung quốc và Thái Lan.
Viện dưỡng lão ở Trung Quốc. Nguồn: Prudential
Quỹ đất ngày càng hạn hẹp, các nghĩa trang quá tải, chi phí đắt đỏ cùng nhiều vấn đề môi trường đã đặt ra nhiều thách thức cho nghi thức an táng truyền thống ở nhiều nước. Thêm vào đó, quy mô gia đình nhỏ đi, cùng cuộc sống hiện đại bận rộn, khiến người dân thay đổi dần cách thức an táng cũng như tưởng nhớ người thân quá cố.
Với chi phí thấp hơn nhiều lần, giảm tác hại cho môi trường, tiết kiệm tiền bạc cho người dân và tiết kiệm quỹ đất cho địa phương, hình thức hỏa táng đang ngày càng phổ biến ở Châu Á. Hình thức này cũng được chính phủ các nước khuyến khích và hỗ trợ để thay đổi nhận thức của người dân.
Hình thức hỏa táng đã trở nên phổ biến tại Singapore. Nguồn: Internet
Tại Singapore, hơn 80% người chết được hỏa táng và các tập tục như rải tro trên biển đã trở nên phổ biến.
Ông Ang Ziqian - Giám đốc điều hành Ang Chin Moh Group - một trong những công ty tang lễ lâu đời nhất tại Singapore cho biết: Những chiếc bình bằng sứ, đá Granit hoặc đá cẩm thạch không thể phân hủy trong nước và có hại cho môi trường. Do đó, ông đã tìm kiếm một giải pháp tốt hơn, bằng cách thay thế chúng bằng bình phân hủy sinh học được làm từ giấy tái chế hay đất sét giấy.
Sau khi được thả xuống biển, những chiếc bình đựng tro cốt này trôi nổi khoảng 30 phút rồi chìm xuống đáy biển và phân hủy từ từ. Ông nói: "Phương pháp này mang lại nhận thức xanh cho mọi người, rằng hành trình cuối đời cũng quan trọng không kém".
Trung Quốc cũng đẩy mạnh quảng bá xu hướng chôn cất thân thiện với môi trường - nhằm giảm bớt căng thẳng về tài nguyên đất, góp phần bảo vệ môi trường.
Tại Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc, trong lễ thanh minh rơi vào ngày 04/4 qua, sự kiện “con tàu chôn cất” đặc biệt được tổ chức. Những con tàu mang tro cốt của nhiều người, cùng người thân của họ, chạy đến vùng biển đã định sẵn. Sau nghi thức tưởng niệm, nhân viên hướng dẫn gia quyến rải tro cốt người thân xuống biển. Những lần rải tro tập thể trên biển được tổ chức ngày càng nhiều, và số lượng người tham gia tăng dần sau mỗi năm.
Ngoài rải xuống biển, nhiều gia đình còn chọn chôn tro cốt dưới các luống hoa, như một cách tiếp nối của cuộc sống cho người đã khuất, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Tỉnh Vân Nam, phía Tây Nam Trung Quốc, mộc táng hoặc chôn với hoa cũng ngày càng phổ biến. Tỉ lệ chôn cất thân thiện với môi trường ở Vân Nam hiện chiếm hơn 51%.
Ở đặc khu Hồng Kông, Trung Quốc, số người chọn "an táng xanh" là 60% - 70%. Chi phí cho hình thức an táng này chỉ 9.800 đô la Hồng Kông, ít hơn nhiều so với 55.800 đô la cho lễ an táng truyền thống. Tuy vậy, tình trạng thiếu nơi lưu giữ bình tro cốt cũng đang là thách thức, người dân có thể chờ đợi nhiều năm mới có chỗ.
Người dân Hong Kong sẽ phải xếp hàng trong nhiều năm để chờ một vị trí đặt hũ tro cốt. Nguồn: CNN
Chính quyền đặc khu còn lập một website để thân nhân, bạn bè người quá cố có thể tạo ra những trang riêng với hình ảnh, video, tiểu sử của người quá cố, và cả sổ lưu niệm để mọi người viết lời chia buồn.
Tại Nhật Bản, đa số người quá cố được hỏa thiêu, tro hỏa táng đưa vào hũ đặt tại nghĩa trang gia đình và được người thân chăm sóc. Thế nhưng, những nghi thức này đã thay đổi khi dân số ngày càng ít và già đi.
Rải tro cốt ngoài biển dường như là giải pháp cho các khó khăn như: khó tìm được một huyệt mộ thích hợp, chi phí tổ chức lễ tang đắt đỏ, tốn thời gian cho việc chăm sóc phần mộ,... Hơn 10 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã cung nghi thức rải tro hỏa táng xuống biển, với chi phí thấp nhất là 50.000 yen, thu hút nhiều người sử dụng.
Tại Mỹ, Mỗi năm việc chôn cất người chết ở Mỹ tiêu tốn khoảng 6 triệu mét gỗ, 4,3 triệu Gallon chất lỏng ướp xác, 1,6 triệu tấn bê tông cốt thép, 17.000 tấn đồng và đồng thau, cùng 64.500 tấn thép. Do đó, việc lựa chọn các phương pháp thân thiện hơn với môi trường có thể hạn chế phần lớn sự lãng phí này.
Một hình thức mới đang được khuyến khích nhiều là hỏa táng bằng nước hay còn gọi là thủy phân kiềm. Theo Công ty nghiên cứu Bio-Response Solutions, một trong công ty đi đầu trong việc nghiên cứu và phát triển phương pháp hỏa táng bằng nước.
Máy thủy phân kiềm tại nhà tang lễ White Rose Aqua Cremation, Mỹ
Trong quá trình này, thi thể của người được đặt trong các cỗ máy thủy táng dạng khối thép hình chữ nhật, bên trong buồng kín chứa dung dịch làm từ 95% nước và 5% hóa chất kiềm. Buồng kín sau khi được làm nóng, hòa tan các mô, hóa lỏng cơ thể và chỉ để lại xương. Phần xương cốt của người chết sau khi thủy phân sẽ được sấy khô và nghiền thành bột. Tùy theo nhiệt độ của dung dịch kiềm, quá trình thủy phân có thể kéo dài từ 4 - 16 giờ.
Còn dung dịch kiềm sau khi phân hủy thi thể là hỗn hợp vô trùng và không chứa ADN của người chết, được kiểm tra điều chỉnh độ pH trước khi đưa vào hệ thống cống thải.
Phương pháp mai táng thân thiện với môi trường này hiện được cấp phép và quản lý ở 26 bang ở Mỹ.
Mỹ: Thủy táng giúp bảo vệ môi trường hơn hỏa táng và địa táng
Tuy nhiên, vẫn có những trở ngại về mặt nhận thức khiến còn nhiều người e dè với các phương thức mai táng mới, dù thấy rõ lợi ích của nó. Do vậy, muốn việc mai táng thân thiện với môi trường được lựa chọn nhiều hơn, các chính phủ cần hỗ trợ về kế hoạch tuyên truyền cũng như cách thức thực hiện.
Tất cả mọi người, chứ không riêng gì người lớn tuổi, cần được hiểu thêm để thích ứng với lối sống xanh, từ đó lựa chọn giải pháp thân thiện với môi trường trong mọi hoạt động của đời sống.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9