Bảo tồn Di sản văn hoá vật thể gắn liền với phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể

PHƯƠNG MAI - HOÀNG LINH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 4/5/2023, 18:33

(HTV) - Đình, lăng, miếu không chỉ là nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng, là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng mà còn là "nhân chứng" cho lịch sử hình thành và phát triển của TP.HCM.

Để bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích này, nhiều ý kiến cho rằng, cần kết hợp với văn hóa tín ngưỡng phi vật thể để tạo thành một sản phẩm du lịch đặc trưng riêng biệt.

Kiến trúc sư Khương Văn Mười

Kiến trúc sư Khương Văn Mười, người có nhiều kinh nghiệm trong công tác trùng tu bảo tồn các di tích kiến trúc đặc trưng tại TP.HCM cho biết: “Bảo tồn, bao gồm bảo tồn những đường nét kiến trúc, những công trình bảo tồn, những không gian bảo tồn. Bảo tồn những văn hóa của mình, những truyền thống, hoạt động phi vật thể gắn với các di tích đó”.

Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Lăng Lê Văn Duyệt hay còn gọi là Lăng Ông Bà Chiểu, từ lâu đã là một địa chỉ linh thiêng nổi tiếng được đông đảo người dân thành phố đến tham quan, chiêm bái, cầu bình an.

Lăng Lê Văn Duyệt

Được xây từ năm 1848 và được xây thêm các phần miếu thờ, nhà bia nhiều năm sau, gần 200 năm tồn tại, nhưng toàn bộ kiến trúc điêu khắc gỗ, sành sứ tại đây được bảo dưỡng gần như nguyên vẹn bằng công sức và nguồn kinh phí huy động từ nhân dân.

Cùng với đó, hằng năm, tại lăng đều có tổ chức lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt long trọng theo nghi thức cấp tiểu cung đình triều Nguyễn và lễ khai hạ cầu an mỗi dịp xuân về. Các nghi lễ ở đây được ban tế lễ thực hiện rất chỉn chu, góp phần giúp cho các thế hệ sau hiểu rõ và cùng giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bà Lâm Thị Hoàng Oanh - Trưởng Ban quản lý Di tích Lịch sử Văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt cũng mong muốn được phát huy giá trị này, trên cơ sở quảng bá rộng rãi cho mọi người. Bà cho biết: “Hiện nay chúng tôi cũng đang phối hợp với các đơn vị quảng bá nhằm phát triển du lịch. Để được như vậy các đơn vị chuyên môn phải đưa hẳn các di tích này vào danh sách điểm đến du lịch của thành phố”.

Bà Lâm Thị Hoàng Oanh - Trưởng ban quản lý Di tích Lịch sử Văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt

Còn với di tích Lịch sử Đình Thần Chí Hòa, ngôi đình được xem là cổ nhất Nam bộ với hơn 300 năm tồn tại. Đây cũng từng là nơi nhà giáo Võ Trường Toản mở lớp đào tạo những danh nhân văn hóa, chí sĩ yêu nước một thời.

Đến nay, ngôi đình cổ đã xuống cấp nghiêm trọng, có dấu hiệu sắp sập, nhiều vách tường ở trong tình trạng ẩm mốc, nứt vỡ, các mái ngói âm dương phần nhiều đã cũ nát, lộ ra khoảng trống. Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM quyết định tu bổ, tôn tạo di tích đình Chí Hòa bằng ngân sách thành phố.

Ông Phạm Thành Lâm - Trưởng ban quản lý đình Chí Hoà chia sẻ: "Di tích được trùng tu, tôn tạo vào đúng thời điểm đình không còn chịu được nữa, nhân dân xung quanh cũng rất vui mừng và ủng hộ. Chúng tôi sẽ cố gắng phát huy tốt bản sắc văn hoá tín ngưỡng Việt Nam trong tín ngưỡng dân gian; đưa thêm sinh hoạt văn hoá cộng đồng vào lễ hội và di tích, để không phụ lòng tin của lãnh đạo từ thành phố đến quận, phường. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu tâm linh của một bộ phận nhân dân trong vùng đã gửi gắm vào ngôi đền cổ".

Ông Phạm Thành Lâm - Trưởng ban quản lý đình Chí Hoà

Trên địa bàn TP.HCM, có hàng trăm di tích kiến trúc nghệ thuật tồn tại lâu đời, có giá trị lịch sử văn hóa như thế. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nơi phải rơi vào tình trạng đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng do thiếu kinh phí hoạt động và thiếu người trông coi.

Trước tình trạng này, ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết: "Bên cạnh việc đề xuất nguồn tu bổ từ ngân sách thành phố, hiện nay Sở đang xây dựng nguồn quỹ Bảo tồn và phát huy các giá trị di tích. Đây là nguồn quỹ xã hội hóa để người dân chung tay cùng thành phố giữ gìn các giá trị văn hóa đặc trưng”.

Việc tu bổ và bảo quản di tích là một việc làm không chỉ có giá trị về mặt bảo tồn di sản văn hóa, mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho cả cộng đồng.

Đây cũng là việc làm thể hiện lòng biết ơn các nghệ nhân, các bậc tiền bối đã tốn bao công sức và trí tuệ gầy dựng, để lại cho hậu thế chúng ta và con cháu mai sau một tài sản văn hóa vô cùng độc đáo để chiêm ngưỡng, nghiên cứu và học tập.

>>> Xin mời quý vị đón xem chương trình thời sự của HTV lúc 20G mỗi ngày trên HTV9

 

Ý kiến của bạn: