Đến năm 2030 mọi người dân bình đẳng trong tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, hiện đại

Sỹ Thành ( Theo VP UBND TP.HCM) 23/5/2023, 11:00

UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Mục đích trong Đề án chỉ rõ: Xây dựng phong trào toàn xã hội tích cực tham gia học tập và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân thực hiện trách nhiệm, quyền lợi được học tập thường xuyên, học suốt đời; tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu.

Duy trì và nâng cao chất lượng việc tổ chức công nhận danh hiệu các mô hình học tập; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Đưa nội dung khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vào nội dung đánh giá thi đua; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Mục tiêu chung của đề án là tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản việc xây dựng xã hội học tập trong năm 2023, bảo đảm mục tiêu đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Mục tiêu cụ thể

Trong đó Đề án đặt ra một số mục tiêu cụ thể như: Duy trì bền vững kết quả 100% các quận, huyện và thành phố trực thuộc đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; Duy trì bền vững kết quả 100% các quận, huyện và thành phố trực thuộc hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo; Duy trì bền vững kết quả 100% các quận, huyện và thành phố trực thuộc đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; Duy trì bền vững kết quả 100% các quận, huyện và thành phố trực thuộc đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, trong đó có 80% các quận, huyện và thành phố trực thuộc đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

50% số người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin;- 50% số người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống; 25% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó 12% dân số có trình độ đại học trở lên.

70% các trường đại học trên địa bàn Thành phố có triển khai đại học số và xây dựng học liệu số;- 40% các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; 100% trung tâm học tập cộng đồng được trang bị máy tính có kết nối mạng. Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện có ít nhất 01 trung tâm học tập cộng đồng chọn làm điểm để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục. Thiết lập mạng lưới kết nối giữa trung tâm học tập cộng đồng điểm với các đối tượng liên quan ở địa phương (trường học, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, thư viện,…) và các cấp quản lý nhằm hỗ trợ người dân tham gia học tập.

60% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, 55% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”; 55% cộng đồng (tổ dân phố và tương đương) được công nhận đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”; 60% các tổ chức, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn phường, xã, thị trấn được công nhận đạt danh hiệu “Đơn vị học tập; 30% người lớn trong gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập (tổ dân phố và tương đương); 60% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị học tập cấp xã, cấp huyện, cấp thành phố đạt danh hiệu “Công dân học tập”; Thành phố trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Đề án đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp như: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về xây dựng xã hội học tập; Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, công tác quản lý của các cấp chính quyền; Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời; Đẩy mạnh hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng; Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực học tập suốt đời; Xây dựng xã hội học tập và phát triển công nghệ đào tạo mở và từ xa…

Về tổ chức thực hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì, điều phối thực hiện Đề án, có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.

Ý kiến của bạn: