"Gã khùng" tái hiện ký ức TP.HCM thu nhỏ

Theo Thanh Niên online 19/4/2019, 07:58

Một gã thanh niên đã từng bị nhiều người nói là... khùng và thậm chí bị nghi ngờ về giới tính vì suốt ngày cắm đầu vào những mô hình nhìn như đồ chơi thu nhỏ của con nít.

Thế nhưng, chàng thanh niên ấy đã khởi nghiệp thành công với những mô hình TP.HCM thu nhỏ, tái hiện ký ức của tuổi thơ mà nhiều người tưởng chừng như đồ chơi của trẻ con.

Đấy là câu chuyện khởi nghiệp độc đáo của Nguyễn Phúc Đức ngụ ở Q.4, TP.HCM.

Anh Nguyễn Phúc Đức

Bắt đầu bằng việc đi ngược xu thế

Đến với thiên đường thế giới mô hình của anh Đức, thật sự choáng ngợp với những sản phẩm anh đã làm ra và chưa bao giờ người viết có cảm giác choáng ngợp với những món đồ chỉ nhỏ bằng móng tay hoặc thậm chí bé hơn như thế nữa.

Đam mê và đi theo âm nhạc, nhưng khi nhận thấy đam mê không nuôi được bản thân, anh  Đức chuyển sang đi làm tiếp thị cho các nhãn hàng. Ngày đã lên được quản lý thì anh lại cảm thấy công việc đang làm không cho anh sự yêu thích.

“Lúc đó mình bắt đầu tự đặt câu hỏi và đi tìm câu trả lời. Mình tự hỏi mình là ai, đam mê cái gì và định hướng của mình như thế nào? Khi trả lời được 3 câu hỏi đó thì mình đã đến với công việc hiện tại”, anh Đức kể.

Các mô hình TP.HCM xưa của anh Trung Đức

Đấy là lúc anh nhớ lại món quà  mô hình nhà biệt thự lúc anh học lớp 6 được bố tặng. Vốn dĩ rất mê chơi mô hình, anh tự nghĩ liệu có thể kinh doanh với mô hình hay không? Và khi thấy chưa có ai ở Việt Nam làm điều này, thế là anh bắt tay. Và cũng chính là người đi đầu nên khó khăn chồng chất khó khăn.

“Mình bắt đầu bằng việc mua máy cưa các kiểu để về thử nghiệm, nhưng thất bại rất nhiều lần, hết lần này đến lần khác. Bán luôn xe để đầu tư mua máy móc, rồi lại thất bại, lại mượn nợ và rồi lại hư hỏng... Sau đó, bắt buộc phải nhập các mô hình nước ngoài về bán kiếm tiền lời để đầu tư cho việc nghiên cứu”, anh Đức nhớ lại.

Đam mê và đi theo âm nhạc, nhưng khi nhận thấy đam mê không nuôi được bản thân, anh  Đức chuyển sang đi làm tiếp thị cho các nhãn hàng. Ngày đã lên được quản lý thì anh lại cảm thấy công việc đang làm không cho anh sự yêu thích.

“Lúc đó mình bắt đầu tự đặt câu hỏi và đi tìm câu trả lời. Mình tự hỏi mình là ai, đam mê cái gì và định hướng của mình như thế nào? Khi trả lời được 3 câu hỏi đó thì mình đã đến với công việc hiện tại”, anh Đức kể.

Kỳ công cho một sản phẩm

Để thực hiện được những mô hình này, anh Đức phải lân la nghe những câu chuyện kể từ các ông, các bác, các chú và người thân. Bên cạnh đó, Đức còn tìm hiểu những hình ảnh trên mạng để có thể tái hiện được rõ ràng và đầy đủ nhất.

Tất cả những chi tiết nhỏ nhất, những hình ảnh về từng vật phẩm trong quầy tạp hóa mô hình được anh thu nhỏ chỉ bằng một cái móng tay. Đức chú ý đến từng chi tiết nhỏ, từ những hũ mực thời còn đi học, những hũ kẹo dẻo bảy màu đến nét văn hóa sinh hoạt buôn bán ở dưới và sống ở trên gác của người dân bằng hình ảnh áo quần được phơi phía bên trên quầy tạp hóa...

Những sản phẩm mô hình hàng quán thu nhỏ

“Chính những chi tiết này sẽ gợi lại cho người chơi khi lắp ráp mô hình được hồi ức về một tuổi thơ đầy đủ nhất, hoặc với những bạn chưa biết gì thì cũng có cơ hội được tìm hiểu về những nét văn hóa trong sinh hoạt của người dân thời xa xưa”, anh Đức tâm niệm.

Vì kích thước đã nhỏ, lại phải chú trọng từng chi tiết nên để làm được một mô hình đòi hỏi Đức có sự tỉ mỉ và kiên trì rất cao... Anh cho biết công đoạn nào cũng khó, khó từ lúc lên mẫu, lên ý tưởng rồi khó về tìm nguyên vật liệu. Nguyên vật liệu phải dựa trên những vật liệu cũ kỹ, vật liệu càng thô sơ bao nhiêu thì mô hình càng đời thực bấy nhiêu, cứ đời nhất để sản phẩm đẹp và có giá trị. Thiết kế cũng mất khá nhiều chất xám, vì nếu thiết kế ra để chơi thì dễ, nhưng để vừa đẹp vừa dễ ráp, để người chơi có thể ráp được và không chán mô hình của mình thì rất khó. Nếu người chơi không hứng thú và chán thì xem như mô hình thất bại.

Tự tạo thị trường

Thời gian đầu không chỉ phải vượt qua những khó khăn để có được sản phẩm mà anh còn phải chịu đựng áp lực vì gia đình, người thân không ai hiểu và ủng hộ.

“Lúc đầu có quá nhiều bài toán để mình phải giải quyết, nghiên cứu, chế tạo, rồi kinh phí, đến thị trường. Mình bắt đầu với sản phẩm này từ năm 2015 nhưng lúc đó thị trường chưa có ai biết chơi cái này, mỗi ngày mình phải lên mạng tìm những thông tin hay về cách làm và lắp ráp mô hình này, đồng thời chia sẻ lên mạng để tìm kiếm cộng đồng”, Đức nhớ lại.

“Nhưng ngày hôm nay, mình hạnh phúc khi đã tạo được cộng đồng lớn những bạn trẻ thích thú với thú chơi lắp ráp mô hình . Đặc biệt mô hình siêu bé này đòi hỏi sự kiên trì của người chơi, chính vì thế giúp các bạn trẻ sống chậm hơn trong cuộc sống hối hả ngày nay, được giải tỏa căng thẳng sau những áp lực trong cuộc sống. Và điều quan trọng hơn là được hồi ức, được tìm hiều về từng nét văn hóa của người dân TP.HCM những năm trước...”, anh Đức hạnh phúc chia sẻ.

Càng hạnh phúc hơn khi Đức kể hiện giờ mỗi tháng có thể nhận được các đơn đặt hàng lên đến 2.000 bộ. Và Đức ví khách hàng chờ đợi sản phẩm của anh như chờ những phiên bản mới của iPhone.
Ý kiến của bạn: