Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam

HOÀNG HƯƠNG - TIẾN DŨNG // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV TẠI HÀ NỘI 30/8/2023, 11:46

(HTV) - Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức Tọa đàm: "Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam".

Nhiều giải pháp đã được các đại biểu đưa ra nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Theo các chuyên gia, chất lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chưa đồng đều, thiếu ổn định; tỷ lệ nông sản sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững, tiêu chuẩn xanh, giảm phát thải còn hạn chế trong khi yêu cầu của các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe. Cơ sở hạ tầng thương mại, logistics, giao thông vận tải không đồng bộ, không đáp ứng được nhu cầu nội địa là điểm đáng chú ý nhất.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh Việt Nam hiện thiếu các trung tâm kết nối nông sản tại các vùng miền, thiếu hệ thống kho ngoại quan và trung tâm hậu cần phục vụ xuất khẩu.

Tổng Giám đốc của Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận chia sẻ tại Tọa đàm

Theo thông tin từ ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc của Tập đoàn Lộc Trời: “Hiện nay chỉ có duy nhất ở đồng bằng Sông Cửu Long chi phí vận chuyển lúa gạo là rất tốt. Nhưng ra khỏi địa bàn Sông Cửu Long thì chi phí rất cao ngang châu Âu dẫn đến việc là lúa gạo Việt Nam chưa thể có được giá cạnh tranh. Logistics trong nông nghiệp trước hết phải có hệ thống thu mua trải rộng vùng nguyên liệu, thứ 2 là hệ thống sơ chế đạt tiêu chuẩn, tiếp theo là hệ thống phân phối hàng hóa”.

Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Ngoài ra, Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương phát biểu: “Một khâu rất yếu trong xuất khẩu nông sản hiện nay là Việt Nam còn xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô sơ chưa có sự chế biến sâu, và chế biến nâng cao giá trị gia tăng. Đây cũng là điểm nghẽn mà Việt Nam cần nỗ lực rất lớn trong khâu ứng dụng công nghệ cao trong chế biến. Việc này cần có sự đồng hành giữa doanh nghiệp và Chính phủ, Chính phủ có thể đưa ra nhiều hơn chính sách đáp ứng yêu cầu về công nghệ chế biến chất lượng cao, còn doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.

Hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp nông nghiệp

Nhiều ý kiến cũng đề xuất cần tăng cường các chính sách về hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tạo điều kiện cho việc tiếp cận vốn tín dụng từ khu vực ngân hàng thương mại, hình thành các gói tín dụng, quỹ tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Đồng thời, tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh rà soát, chuẩn hóa các thủ tục hành chính, không để tình trạng một mặt hàng phải chịu sự quản lý của quá nhiều đơn vị. Đồng thời, chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.  

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

 

Ý kiến của bạn: