Thúc đẩy phát triển thị trường carbon tại Việt Nam: Tiến tới phát thải ròng bằng 0

LY LY - MINH CHƯƠNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 25/6/2023, 06:00

(HTV) - Việt Nam hành động mạnh mẽ để bảo vệ môi trường trước sự gia tăng nhanh chóng lượng phát thải khí nhà kính. Thị trường carbon được xem là giải pháp và chìa khóa thực hiện mục tiêu tiến đến NET ZERO trong tương lai.

Việt Nam thiệt hại khoảng 10 tỷ Đô la Mỹ vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu. Tổng chi phí kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra có thể lên tới hơn 500 tỷ Đô la Mỹ vào năm 2050.

Thông tin từ chiến dịch "Race to net zero" do Trung ương Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam phối hợp với các tổ chức môi trường vừa phát động. 

Theo đó, trong thị trường carbon, "người gây ô nhiễm" phải trả mức phí bù đắp cho lượng phát thải ra môi trường thông qua việc mua bán và trao đổi tín chỉ carbon. 

Việc tham gia thị trường này là trách nhiệm cũng là cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thu Trang - Chủ tịch T.A.F Group chia sẻ: "Khoảng 2-3 năm nữa thị trường carbon của Việt Nam sẽ nhận được sự quan tâm của rất nhiều Doanh nghiệp lẫn các nhà đầu tư, bởi hiện nay giá tín chí carbon của nước ta so với các nước trong khu vực và thế giới đang chênh lệch, và được ưu tiên, hưởng lợi rất nhiều về giá. Nếu vài ba năm nữa thì Doanh nghiệp phải trả một khoản chi phí lớn vì lượng tín chỉ có hạn, lẫn các ngành sinh ra tín chỉ như rừng, thiên nhiên, công nghệ cao… cũng có hạn mà nhu cầu tín chỉ carbon lại lớn, nhất là khi các nước đều áp mức phí carbon".

Bà Nguyễn Thu Trang - Chủ tịch T.A.F Group nhận định: "Nếu các Doanh nghiệp quan tâm sớm thì đây là một khoản lợi rất lớn" 

Ông Phạm Việt Biên Cương - Giám đốc Trung tâm bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu Việt Nam bày tỏ quan điểm: "Giai đoạn hiện tại thị trường tín chỉ carbon rất sôi động. Chúng tôi cũng đặt kỳ vọng ít nhất có 2000 doanh nghiệp hoàn thiện công tác kiểm kê phát thải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiến hành mua bán bù trừ carbon, qua đó cũng giúp cho hàng hóa của họ cũng có thể đến với các thị trường khó tính một cách dễ dàng hơn".

Ông Phạm Việt Biên Cương chia sẻ: "Rừng cũng là nơi mang lại nguồn thu từ việc bán khí thải carbon"

Rừng cũng là nơi mang lại nguồn thu từ việc bán khí thải carbon. Việt Nam cũng đang thí điểm Thỏa thuận thanh toán giảm thiểu phát thải (ERPA) với Quỹ Đối tác carbon rừng thuộc Ngân hàng Thế giới. Theo thỏa thuận này, Việt Nam sẽ giảm 10,3 triệu tấn khí thải carbon từ sáu tỉnh Bắc Trung bộ cho đến năm 2025 để nhận 51,5 triệu USD, tức mỗi tín chỉ carbon sẽ là 1 tấn khí thải và trị giá 5 USD. Tuy nhiên thực tế vẫn còn đặt ra nhiều thách thức. 

Dự kiến đến năm 2025, khi sàn giao dịch tín chỉ carbon được vận hành thí điểm và vận hành chính thức vào năm 2028 sẽ là cơ hội để tăng cường giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, đưa nền kinh tế xanh phát triển bền vững.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: