(HTV) - Sáng nay, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp tình hình, kết quả kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 03/2024.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM cùng các Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì hội nghị.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số kinh tế - xã hội của TP.HCM có nhiều điểm sáng.
Tổng thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm ước đạt hơn 103.164 tỷ đồng (đạt 21,37% dự toán năm và tăng 13,69% so cùng kỳ). Trong đó, thu nội địa hơn 87.664 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 15.500 tỷ đồng.
Thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi tích cực hơn, doanh thu kinh doanh bất động sản ước tăng 20,1% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng tín dụng tăng 0,6% so với tháng 1; số doanh nghiệp thành lập mới là 6.283 doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới là 56.851 tỷ đồng, tăng 18,2% về số lượng và tăng 44,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết: Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn TP.HCM tăng 4,3% so với cùng kỳ. Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2024 tăng 6,3% so với cùng kỳ.
Giải ngân vốn đầu tư công mặc dù chỉ đạt 2,1%, nhưng TP.HCM đã giải ngân hơn 1.600 tỷ đồng, gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại hội nghị, đại diện các Sở ngành, đơn vị đã tập trung thảo luận về 3 động lực tăng trưởng của TP.HCM và 2 nội dung trọng tâm của chủ đề năm là chuyển đổi số và triển khai Nghị quyết 98, phong trào thi đua đặc biệt Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó, vấn đề cải thiện năng suất lao động và tăng cường nguồn nhân lực được các đơn vị đề xuất.
Sở Công thương cũng đưa ra lý giải vì sao các mặt bằng trên phố đóng cửa nhiều, trong khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết: "3 chỉ số tạo niềm tin sản xuất sẽ duy trì tăng trưởng trong Quý I. Về gia tăng tiêu dùng nội địa, TP.HCM đã tổ chức hoạt động kích cầu, khai thác thị trường nội địa, tăng trưởng thương mại điện tử góp phần gia tăng. Vì sao cửa hàng trên phố đóng cửa nhiều mà doanh số vẫn tăng? Do gia tăng thương mại điện tử."
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết: "Sở tập trung 5 nhóm nhiệm vụ: Hội nghị triển khai chiên lược. Rà soát các kế hoạch liên tịch với các Sở ngành, tập trung phất triển du lịch văn hoá. Phối hợp với sở GTVT phát triển tuyến du lịch tầm ngắn, tầm trung và tầm xa với các tỉnh chuẩn bị công bố tại lễ hội sông nước. Phối hợp với Sở Công thương triển khai bộ tiêu chí đánh giá ẩm thực,... Chuẩn bị cho lễ hội áo dài, kết hợp với Hội báo toàn quốc".
Là một trong hai nội dung trọng tâm của chủ đề năm, vấn đề chuyển đổi số cũng được tập trung đẩy mạnh trong 2 tháng đầu năm với quyết tâm đạt được những kết quả thực chất và đo đếm được trong thời gian tới, với việc đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm của Sở Thông tin truyền thông TP.HCM.
Toàn cảnh phiên họp
Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM cho biết, Sở đã ra mắt Trung tâm chuyển đổi số, xây dựng các bộ. TP.HCM sẽ ban hành các quy chế. Phát triển hệ thống thông tin giải quyết Thủ tục hành chính, camera dùng chung, chính sách miễn giảm phí, trí tuệ nhân tạo. Đề xuất các đơn vị đẩy nhanh các ứng dụng, bộ chỉ số chuyển đổi số, bản đồ thể chế.
Theo thống kê, hiện có 41% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp để vay vốn, vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong thời gian tới, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp đề xuất cần đẩy mạnh hơn nữa chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9