(HTV) - Tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị thường niên lần thứ 31 Hội phẫu thuật lồng ngực và tim mạch châu Á với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu thế giới.
Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực đã có rất nhiều tiến bộ trong thời gian gần đây, xu hướng phẫu thuật ít xâm lấn, sự kết hợp giữa phẫu thuật và can thiệp nội mạch, ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã đem lại cơ hội điều trị khỏi bệnh cho nhiều bệnh nhân với các bệnh lý phức tạp cũng như giảm thiểu chi phí điều trị.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Kim Quế - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống nhất, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị ATCSA 2023
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Kim Quế - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống nhất, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị ATCSA 2023 bày tỏ: "Năm nay, chủ đề có những thay đổi bắt kịp các xu hướng trên thế giới về phẫu thuật tim mạch và lồng ngực. Xu hướng đầu tiên là ít xâm lấn, trong đó có các phẫu thuật về tim, đặc biệt là tim hở với nội soi lồng ngực hỗ trợ. Trong lần này, chúng tôi có rất nhiều báo cáo về phẫu thuật tim qua nội soi toàn bộ với hệ thống nội soi mới, dễ dàng và mang lại hiệu quả nhiều hơn. Bên cạnh đó là kỹ thuật ít xâm lấn trong điều trị các bệnh lý về mạch máu, các can thiệp đem lại hiệu quả cao và giảm thời gian điều trị và hồi phục cho bệnh nhân".
Giáo sư - Tiến sĩ Lê Ngọc Thành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch Việt Nam
Giáo sư - Tiến sĩ Lê Ngọc Thành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch Việt Nam chia sẻ: "Năm 2014, chúng ta có khoảng hơn 10 cơ sở mổ tim. Thời điểm này chúng ta có 37 cơ sở mổ tim. Số lượng mổ tim tăng gấp đôi so với cách đây 9 năm. Cả nước mổ khoảng 14 ngàn ca/năm. Việc áp dụng công nghệ mới trong phẫu thuật tim mạch, đặc biệt là phẫu thuật nội soi của Việt Nam gần như là đi đầu. Chúng ta không có mổ robot về tim mạch nhưng mổ nội soi không cần robot hỗ trợ. Đây là một điểm khác biệt làm cho người bệnh rất được hưởng lợi".
Hội nghị thường niên lần thứ 31 Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch châu Á
Việt Nam là quốc gia ở Đông Nam Á với dân số 100 triệu người và mô hình bệnh tật thay đổi nhanh chóng trong thời gian gần đây với sự bùng nổ của các bệnh lý không lây nhiễm như tim mạch, và ung thư.
Ngành y tế Việt Nam nói chung và chuyên ngành phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực nói riêng đã có những tiến bộ về chẩn đoán và điều trị. Hội nghị có gần 30 phiên khoa học, 155 bài báo cáo trong đó có 86 báo cáo nước ngoài từ 15 quốc gia khác nhau, diễn ra trong 4 ngày từ 15 - 18/11/2023.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9