TP.HCM tạo lợi thế mới thu hút các nhà đầu tư chiến lược

THANH VÂN - MINH CHƯƠNG // TRUNG TÂM TIN TỨC 25/6/2023, 19:50

(HTV) - TP.HCM thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, để mời gọi được những nhà đầu tư chiến lược, các chuyên gia cho rằng TP.HCM cần kiến tạo được các lợi thế đủ sức hấp dẫn.

Thời gian qua, Thành phố đã lỡ nhiều cơ hội thu hút đầu tư dự án công nghệ cao có quy mô lớn do không có cơ sở và thẩm quyền áp dụng cơ chế ưu đãi do nhà đầu tư đề xuất. Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nếu theo quy trình thông thường thì các tập đoàn lớn khó tham gia do không xác định được lộ trình triển khai, thời gian thực hiện dài, nguy cơ ảnh hưởng đến thương hiệu và giá trị doanh nghiệp nếu không được lựa chọn.

Do vậy, định hướng của Thành phố lần này đối với việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược là tập trung theo quy mô vốn đầu tư vào các ngành đặc biệt, không theo mức đại trà.

Đầu tư vào các ngành đặc biệt, không theo mức đại trà

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết: "Thành phố mong muốn thu hút các nhà đầu tư chiến lược, một là quy mô 30.000 tỷ đối với các dự án liên quan tới năng lượng tái tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ số nhưng chúng ta cũng cần tập trung thu hút nguồn lực để các doanh nghiệp đầu tư vào các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu chuyển giao với quy mô khoảng 3.000 tỷ thì những điều này được định nghĩa là nhà đầu tư chiến lược và được hưởng nhiều ưu đãi khác nhau".

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Để vượt qua giai đoạn "quá độ" giữa thu hút đầu tư đại trà tiến tới thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực trọng điểm, mang lại hiệu quả cao, các chuyên gia cho rằng Thành phố cần có sự đột phá trong việc tạo những lợi thế vượt trội, khác biệt để trở nên hấp dẫn hơn.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch - Chuyên gia Kinh tế: "TP.HCM phải là trung tâm, là cửa ngõ và tiến tới nếu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cùng với cảng Cái Mép - Thị Vải. Đây không chỉ là cửa ngõ vùng Đông Nam bộ mà còn là cả vùng, thậm chí mở rộng cả sang Campuchia và hệ thống hành lang Đông Tây. Đặc biệt hơn đó là hình thành hệ thống logistics" .

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Chuyên gia Kinh tế

Còn theo ông Trần Thanh Hải - Chuyên gia Kinh tế: "Việc xác định các nhà đầu tư chiến lược trong thời điểm hiện nay, đặc biệt TP.HCM cùng với cơ chế thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội ban hành trước đây thì phải gắn với xu thế phát triển của thế giới, ví dụ như cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng cực kỳ to lớn của trí tuệ nhân tạo".

Ông Trần Thanh Hải - Chuyên gia Kinh tế 

Theo nghị quyết mới, nhà đầu tư chiến lược sẽ được hỗ trợ một phần chi phí của dự án đầu tư từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Thành phố, được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan và thuế nên được kỳ vọng đủ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược; đồng thời đây cũng là "cú hích" để các doanh nghiệp Thành phố tự chuyển mình theo đà phát triển chung của Thành phố.

Ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM chia sẻ: "Chúng tôi là những doanh nghiệp đã hoạt động qua rất nhiều giai đoạn phát triển Thành phố nên chúng tôi biết rằng giai đoạn này thì phát triển công nghệ thấp và công nghệ trung bình không phù hợp với Thành phố nữa và Thành phố đang có hướng rõ ràng là thu hút những nhà đầu tư lớn, đầu tư đặc thù với những chính sách phát triển Thành phố, tạo ra cái gọi là tái cấu trúc của Thành phố. Doanh nghiệp Thành phố cũng phải tự cải cách mình để chào đón, trở thành những đối tác của nhà đầu tư này, chuyển mình qua một giai đoạn mới để trở thành đối tác và có thể tạo ra những mối liên kết làm ăn, chứ không phải đơn thuần như mua bán trước đây ở các nhà máy công nghiệp trung bình, hoàn toàn mang tính chất dịch vụ cao, công nghệ cao".

Ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết Thành phố đang xây dựng Đề án thu hút vốn FDI giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn 2030. Trong đó, hướng tới nhà đầu tư chiến lược: Rót vốn từ 30.000 tỷ đồng cho dự án thông thường hoặc từ 3.000 tỷ đồng vào dự án nghiên cứu đổi mới sáng tạo.

Đề án này kỳ vọng đến năm 2025 thu hút trên 50 dự án công nghệ cao, với ít nhất một tập đoàn công nghệ cao tên tuổi lớn, tổng vốn đầu tư ít nhất đạt 3 tỷ USD. Đồng thời, mục tiêu là tỷ lệ vốn đăng ký đầu tư của nhóm nhà đầu tư trọng điểm đạt 70% tổng vốn giai đoạn 2023 - 2025.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: