UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn TP.HCM.
Kế hoạch nhằm chăm lo cải thiện điều kiện làm việc; phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động; bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, góp phần vào sự phát triển bền vững của Thành phố.
Kế hoạch được triển khai trên phạm vi TP.HCM, triển khai đến tất cả ngành nghề, người làm công tác quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động, người sử dụng lao động và người lao động; ưu tiên các ngành, nghề, công việc có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã và làng nghề.
Theo đó kế hoạch đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để thực hiện như: Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, giám sát, cung cấp dịch vụ công về an toàn, vệ sinh lao động. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, huấn luyện nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ cải thiện điều kiện lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm vận động nguồn lực hỗ trợ đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động. Mở rộng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động với quốc tế. Quản lý, giám sát, đánh giá thực hiện kế hoạch.
Kế hoạch hướng đến 8 mục tiêu cụ thể đó là: Đến năm 2025, trung bình hằng năm, giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người. Trung bình hằng năm, tăng thêm 5% số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp; 5% số cơ sở được quan trắc môi trường lao động. Trên 90% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động quận, huyện, TP Thủ Đức và trong các Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao được tập huấn nâng cao năng lực về an toàn, vệ sinh lao động.
Có trên 80% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; 90% số người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
Trên 90% số người làm công tác y tế cơ sở được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động. Trên 80% các làng nghề, hợp tác xã có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin phù hợp về an toàn, vệ sinh lao động. 100% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp theo quy định của pháp luật; 100% số vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.